NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ tư liên tiếp, động lực tín dụng có tăng?
(DNTO) - Liên tiếp giảm lãi suất điều hành quyết liệt gần đây của Ngân hàng Nhà nước được cho là sẽ hỗ trợ tích cực doanh nghiệp vượt bão. Song, trong bối cảnh xuất khẩu u ám, sản xuất phục hồi chậm, cầu nội địa còn yếu, việc tác động vào cung tiền và giá vốn chưa phải là yếu tố thay đổi cục diện.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm loạt lãi suất điều hành từ 0,25-0,5 điểm phần trăm/năm, chính thức áp dụng từ ngày mai (19/6). Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Tính từ đầu năm nay, đây là lần thứ tư các mức lãi suất điều hành được giảm để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Động thái giảm lãi suất lần này được các chuyên gia lý giải đặt trong bối cảnh trong 5 tháng đầu năm, nhiều chỉ số kinh tế đã "báo động" hơn cùng kỳ, phản ánh tác động tiêu cực từ cầu nước ngoài suy giảm mạnh và những khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Trong khi đó lạm phát cũng trở nên “dễ chịu” hơn khi lạm phát (so với cùng kỳ) giảm xuống 2,43% trong tháng 5 từ mức 4,89% trong tháng 1 (giảm liên tiếp trong tháng 3, tháng 4 và gần như không thay đổi trong tháng 5). Tương tự, lạm phát cơ bản cũng giảm xuống mức 4,54% trong tháng 5. Điều này khiến cơ quan quản lý nhận định lạm phát bình quân cả năm 2023 về mức 4,5% là tương đối khả thi.
“Lạm phát cơ bản đã "mềm" hơn nhiều so với mục tiêu, cho phép ngân hàng trung ương tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động, củng cố chu kỳ tiền tệ hỗ trợ trong bối cảnh dữ liệu vĩ mô trì trệ”, Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá.
Giảm lãi suất điều hành là một thông tin tốt. Thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã giảm 1-1,5 điểm % và tỉ giá USD/VNĐ thậm chí giảm nhẹ 0,57% so với đầu năm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiệu quả của giải pháp này vẫn có những hạn chế nhất định trong bối cảnh hiện nay.
Nhìn lại lịch sử, thị trường cũng từng điều chỉnh giảm sau ba lần giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm, nhưng vẫn chưa đủ để “kích cầu” nền kinh tế hiện đang đối diện với áp lực vĩ mô không nhỏ.
Tại hội thảo “Đầu tư chứng khoán: Tìm ổn định trong bất định”, ngày 17/6, Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp, đại học Fulbright đánh giá, dù đã giảm lãi suất điều hành 4 lần, nhưng vẫn chưa đủ tác động đến nền kinh tế vì chi phí vốn của ngân hàng vẫn còn cao, có những doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn.
“Bên ngoài áp lực tỷ giá giảm, bên trong lạm phát cũng đã qua đỉnh. Động thái tiếp theo của các nhà điều hành là phải bơm thêm tiền ra và giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế” ông Thành cho hay đồng thời nhận định, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn đang ở mức thấp, mới được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Đây là một hệ quả của việc thiếu hụt tiền trong nền kinh tế trong thời gian vừa qua.
Đơn cử, thực trạng xuất khẩu u ám, thiếu hụt đơn hàng của nhiều doanh nghiệp thời gian qua chịu tác động từ nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế chậm lại bởi lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nói riêng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng phục hồi kinh tế, chính sách tiền tệ của các nước này.
Cùng với đó, cầu tiêu dùng trong nước suy giảm, lãi suất cho vay dù giảm song vẫn duy trì ở mức cao. Không ít doanh nghiệp hiện nay không còn động lực để đầu tư, một số khác lại không đủ khả năng, điều kiện để tiếp cận các khoản vay mới. Do đó, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế hiện nay rất thấp, ở cả mảng sản xuất, kinh doanh lẫn tiêu dùng.
Cần thêm giải pháp bổ sung
Phải thẳng thắn nhìn nhận, giảm lãi suất không phải là chìa khóa vạn năng "mở khóa" tín dụng, lưu thông dòng tiền, phục hồi tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Giảm lãi suất có hiệu ứng tích cực, song chính sách tiền tệ không thể "vỗ một bàn tay". Do đó, Chính phủ và NHNN có thể sử dụng thêm những công cụ, chính sách tài khóa khác nhằm hỗ trợ sát sườn cho doanh nghiệp thoát khó khăn.
Về ảnh hưởng bởi các đối tác thương mại, theo chuyên gia, để "thúc" sức cầu tiêu thụ và cứu đơn hàng xuất khẩu, cần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; phải đẩy mạnh đàm phán các hiệp định liên kết thương mại mới, trong đó có FTA với Israel và với các đối tác khác (UAE, MERCOSUR) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực tìm đầu ra cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là những mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng từ 1/7 tới. Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2%… Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT 3-4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Hay như vấn đề pháp lý đối với các dự án bất động sản nếu được giải quyết sớm cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng hồi phục nhanh.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu NHNN rà soát các gói tín dụng 40.000 tỉ đồng và 120.000 tỉ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, linh hoạt, hợp lý hơn… Về phần mình, Thống đốc NHNN vừa ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02 ngày 23/4/2023.
Kỳ vọng tất cả sự "trợ lực" trên sẽ phối hợp nhịp nhàng, cùng với việc Việt Nam đã và đang "rốt ráo" cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, kinh tế nửa cuối năm 2023 sẽ "ngấm" chính sách, từng bước phục hồi, thúc đẩy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.