Lãi suất giảm và thách thức trong việc huy động vốn của các nhà băng thời gian tới
(DNTO) - Trong bối cảnh nền lãi suất đang hạ nhiệt, lo ngại "đích đến" của hàng triệu tỷ đồng tiền gửi ngân hàng sắp đáo hạn sẽ tìm kiếm cơ hội ở những kênh đầu tư khác. Điều này đang là thách thức cho hoạt động huy động vốn của các nhà băng trong giai đoạn tới.
Sau 3 đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp gần đây, không ít dự báo cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ còn dư địa cho các đợt giảm thêm lãi suất từ 1-2 lần trong thời gian còn lại của năm nay. Cơ sở hỗ trợ ngoài yếu tố lạm phát hạ nhiệt, định hướng giảm thêm lãi suất cho vay của nhà điều hành, còn là tăng trưởng tín dụng được dự báo vẫn chậm và thanh khoản hệ thống duy trì sự dồi dào.
Hòa theo động thái giảm lãi suất của nhà điều hành, hầu hết các ngân hàng cũng giảm mạnh lãi suất tiền gửi, trong đó có nhóm Big 4, đưa mặt bằng lãi suất huy động vốn về lại như giai đoạn cuối quý 3 đầu quý 4 năm ngoái. Diễn biến này đã tạo điều kiện cho lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm thực chất hơn trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, thống kê của NHNN cho thấy đến cuối tháng 12/2022, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là 11,82 triệu tỉ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm. Như vậy các khoản tiền gửi lãi suất cao với kỳ hạn nửa năm đang gần tới thời điểm đáo hạn. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn với khoảng 88% tiền gửi thuộc kỳ hạn 12 tháng trở xuống. Đồng nghĩa trong thời gian tới sẽ có thêm sự cộng hưởng của các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm đến kỳ tất toán.
Điều đáng quan tâm trong bối cảnh nền lãi suất tiết kiệm đang "hạ nhiệt" rõ rệt từ cuối quý 1 đến nay, lượng tiền đáo hạn này có thể tìm kiếm cơ hội ở những kênh đầu tư khác thay vì tiếp tục lại ở kênh tiết kiệm ngân hàng. Điều này sẽ đặt ra một thách thức đáng kể cho hoạt động huy động vốn của các nhà băng trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, diễn biến tiền gửi cá nhân và tiền gửi tổ chức thời gian qua đang "ngược chiều" với những lo ngại thay đổi về lãi suất trên thị trường khi tăng trưởng huy động vốn của các nhà băng vẫn đang dựa chủ yếu vào nhóm khách hàng dân cư.
Cụ thể, dữ liệu từ NHNN công bố mới đây cho thấy tiền gửi của nhóm khách hàng cá nhân tính đến cuối tháng 3 tăng khá nhanh, thêm 100.000 tỷ đồng, nâng mức tăng trong 3 tháng đầu năm lên thêm 415.058 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Các cá nhân gửi tiền tại ngân hàng tăng 7,08% so với cuối năm 2022, lên 6,28 triệu tỷ đồng. Từ đầu năm ngoái đến nay, hệ thống ngân hàng liên tục nhận được tiền gửi của người dân mỗi tháng tăng nhanh. So với cuối năm 2021, lượng tiền gửi của khối khách hàng cá nhân tăng 1,28 triệu tỷ đồng, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2023 hệ thống ngân hàng đã nhận 415.058 tỷ đồng từ người dân...
Các chuyên gia cho rằng, hành động gửi tiền vào ngân hàng của nhiều cá nhân, tổ chức thay vì đầu tư, kinh doanh là hoàn toàn dễ hiểu. Doanh nghiệp hiện không có đơn hàng mới, dự án mới trong khi các ngân hàng đang rất "khát" vốn để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu... Đây là lý do vì sao một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiền gửi hơn 8%/năm trên thị trường, thì đương nhiên dòng vốn vẫn bị hút về phía ngân hàng.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định, lượng tiền gửi sẽ khó giảm mạnh trong năm 2023, vì tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động khoảng 3%/năm trong 3 năm qua, khiến tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) trên toàn hệ thống đạt gần 100% vào cuối năm 2022.
"Chính phủ có thể giúp đẩy nhanh quá trình hạ hệ số LDR trên toàn hệ thống bằng cách bơm thêm thanh khoản vào thị trường thông qua một số giải pháp như: Xây dựng lại dự trữ ngoại hối của NHNN, cân nhắc bơm khoảng 20 tỷ USD vào nền kinh tế trong năm nay; tài trợ cho các gói cho vay khoảng 10 tỷ USD do Chính phủ hỗ trợ thông qua NHNN", vị chuyên gia cho hay.
VinaCapital kỳ vọng GDP danh nghĩa của Việt Nam, bao gồm cả lạm phát. sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2023, qua đó có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD tiền gửi ngân hàng. Nếu Chính phủ bơm 40-50 tỷ USD thanh khoản vào nền kinh tế có thể dẫn đến tăng trưởng tiền gửi vượt tăng trưởng cho vay khoảng 3% và lãi suất huy động giảm nhẹ, tức tăng trưởng cho vay đạt 13% so với tăng trưởng tiền gửi đạt 16%.