Ngân hàng có đang làm 'tròn' trách nhiệm theo Nghị quyết 43?
(DNTO) - Hiện nay, một số ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất cho vay khiến nhiều ý kiến cho rằng, việc yêu cầu giảm lãi suất chỉ là "trên giấy". Lo ngại sự phục hồi kinh tế bị đứt gãy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc triển khai yêu cầu tại Nghị quyết số 43.
Cần làm nghiêm và linh hoạt "mềm mỏng" theo tinh thần của Nghị quyết
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4, tăng trưởng huy động của các ngân hàng đạt khoảng 2,74% so với cuối năm 2021 trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 6,75% (đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã bơm ra thị trường khoảng 700.000 tỉ đồng trong vòng 4 tháng qua).
Nhu cầu tín dụng tăng mạnh đã khiến một số ngân hàng thương mại chạm đến hoặc gần với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được ngân hàng nhà nước cấp nên khả năng nhiều ngân hàng sẽ phải xin thêm room tín dụng là rất cao.
Tín dụng tăng đã buộc các ngân hàng phải đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên nhằm thu hút nguồn vốn quay trở lại kênh tiết kiệm, chuẩn bị tốt thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn trong sáu tháng cuối năm. Nhưng điều này lại mang đến một hệ quả là các doanh nghiệp sớm muộn sẽ phải chịu một mức lãi suất cho vay cao hơn bởi khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng.
Điều lo ngại đã thành sự thật khi hiện nay một số ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1%/năm so với mức lãi suất năm ngoái để củng cố "sức khỏe" cho thanh khoản.
Trong khi đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhanh chóng lấy lại nhịp phồi hồi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra quy định về lãi suất, việc điều hành cần phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Mới đây, ngày 20/5, Chính phủ cũng chính thức ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc yêu cầu giảm lãi suất chỉ là "trên giấy" khi thực tế các nhà băng đang làm ngược lại với chỉ đạo, gây bất lợi cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là trong bối cảnh giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào đã tăng cao, doanh nghiệp không chịu nổi sẽ phải tăng giá bán, dẫn tới tổng cầu có thể bị tác động xấu và bắt đầu trì trệ, thậm chí sụt giảm.
Không những thế, lãi suất cho vay tăng, có thể khiến gói kích thích kinh tế vừa được Chính phủ ban hành mất tác dụng. Cho dù doanh nghiệp có được hỗ trợ 2% lãi suất vay thì cũng không còn hiệu quả. Khi đó, sự hồi phục kinh tế sau dịch Covid sẽ bị giáng một đòn mạnh.
Trước bất cập này, ngày 23/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc triển khai yêu cầu tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội liên quan đến lãi suất ngân hàng.
"Nghị quyết số 43 đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, theo phản ánh, một số ngân hàng đang thực hiện việc tăng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc triển khai nội dung này", Ủy ban Kinh tế chỉ rõ.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Cần chú trọng vào việc chuyển hướng các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản tiềm ẩn rủi ro cao.
Bên cạnh đó, các khoản nợ tiềm ẩn hiện nay bao gồm cả nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước. Do chính sách này chỉ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2022, việc tiếp tục kéo dài chính sách này hay không cần được đánh giá và cân nhắc, vừa bảo đảm hỗ trợ nền kinh tế, vừa phản ánh thực chất nợ xấu để có giải pháp quản lý, kiểm soát thích hợp.
"Đề nghị ngân hàng nhà nước nghiên cứu lộ trình, sớm dừng quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, Ủy ban Kinh tế sẽ có báo cáo thẩm tra riêng về nội dung này trình Quốc hội", báo cáo thẩm tra nêu rõ.
"Thế khó" của ngân hàng
Theo các chuyên gia, khả năng duy trì mặt bằng lãi suất thấp rất thách thức với các tổ chức tín dụng. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, lạm phát tháng 4/2022 đã tăng từ 0,3-0,4% so với tháng trước và tăng 2,21-2,31% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các ngân hàng thương mại duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa.
Không những thế, kênh huy động bằng trái phiếu doanh nghiệp đang ngày một siết chặt, tâm lý của nhà đầu tư trở nên e dè hơn sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua, khiến nhiều doanh nghiệp tìm đến kênh ngân hàng, làm nhu cầu vay vốn tăng. Tất cả những yếu tố này tác động sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng và gây áp lực mạnh mẽ lên lãi suất cho vay.
"Thế khó của cơ quan điều hành hiện nay là tăng lãi suất hay không tăng. Tăng lãi suất để siết dòng tiền sẽ kiểm soát được lạm phát, nhưng tăng lãi suất lại kiềm chế tăng trưởng chung của nền kinh tế do vốn cho doanh nghiệp bị siết, ảnh hưởng quá trình phục hồi trăng trưởng", TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận.
Ông Lực phân tích, hiện có khoảng 68 - 70% ngân hàng trung ương các nước đã tăng lãi suất và Việt Nam cũng đã và đang tăng lãi suất huy động đầu vào. Tuy nhiên, ông kỳ vọng lãi suất đầu ra vẫn giữ được ổn định.
"Mặt bằng lãi suất đầu tư cơ bản giữ ổn định là thành công trong năm nay. Riêng lãi suất đầu ra, Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều yêu cầu ổn định, song tôi nghĩ giảm thì cực khó vì cả thế giới tăng, Việt Nam đầu vào cũng tăng làm sao có thể giảm đầu ra?", ông Lực nêu quan điểm.
Đánh giá áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát. Dự báo, có thể xuất hiện kịch bản lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến.
"Sức ép lên giá cả sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Song, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục nỗ lực tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất “dễ thở” đối với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh sau đại dịch", bà Hồng thông tin.