Khó khăn đeo bám, doanh nghiệp bất động sản nên bán bớt dự án 'sạch' để cơ cấu nợ
(DNTO) - Nhiều nhà đầu tư sẵn tiềm lực đang đợi "rót vốn" vào các dự án tiềm năng đang là cơ hội cho các doanh nghiệp nắm giữ dự án đầy đủ pháp lý có thể bung hàng để xoay xở dòng tiền trả nợ, cũng như có thêm nguồn lực triển khai các dự án mới.
Trong báo cáo vừa được công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện tại các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đồng loạt lâm vào trạng thái đuối sức. Mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức để có thể vực dậy. Động lực sống khiến các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng sẵn sàng bấu víu vào bất cứ chiếc "phao cứu sinh" nào.
Thấu hiểu tình trạng này, trong suốt thời gian kể từ đầu năm 2022, Chính phủ đã tạo ra những "bình oxy" để cứu thị trường và doanh nghiệp. Một trong những điểm nhấn nổi bật của chính sách "trợ lực" cho thị trường bất động sản thời gian qua, phải kể đến việc Chính phủ đã ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong đó giao “nhiệm vụ” cụ thể cho Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các UBND cấp tỉnh, trong đó yêu cầu “thúc” giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng...
Thực tế, các chỉ đạo từ Chính phủ nhằm tháo gỡ cho thị trường bất động sản đã tạo ra tâm lý tích cực cho người mua. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, hàng loạt những chính sách vừa qua chỉ giúp các doanh nghiệp tồn tại cầm chừng, không đóng băng ngay nhưng sống “thoi thóp” và sớm muộn cũng đóng băng ở thời điểm khác.
Đơn cử, lý giải vì sao chính sách chưa thể "ngấm", chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho hay, nhiều người thắc mắc vì sao năm 2013, gói 60.000 tỷ có thể đi vào cuộc sống nhưng năm nay, gói 120.000 tỷ không đi vào cuộc sống, nguyên nhân là do quy mô. Giai đoạn 2011, 2012, 2013, giá đất còn tiềm năng. Gói 60.000 tỷ lúc đó đi trực tiếp vào những dự án của thành phố, những dự án căn hộ…, đi vào ngay sử dụng, nên giải ngân hợp lý.
Còn gói 120.000 tỷ này có đi vào cuộc sống cũng không thể tạo dòng tiền mạnh như gói 50.000 tỷ, 60.000 tỷ của năm 2013. Thị trường của năm 2013 chỉ bằng 1/10 thị trường hiện nay.
"Chúng ta không thể đòi hỏi Chính phủ hành động để cho thị trường này tăng mà cần ổn định hệ thống tài chính trước và một nhịp điều chỉnh về lãi suất. Chúng ta cần những nhà đầu tư chậm rãi hơn, bình tĩnh hơn cho một thị trường mới, có thể là đầu năm 2024", ông Hiển nói.
Mới đây, theo dữ liệu khảo sát của VARS với các hội viên, nếu tình hình thị trường tiếp tục khó khăn, có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động đến hết quý 3/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023. Nếu không kịp tìm "lối thoát", rất có thể thị trường sẽ đối mặt với kịch bản rút lui của hàng loạt nhân tố, từ doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và môi giới bất động sản. Nhiều người lao động mất việc làm sẽ ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội.
Tìm "lối thoát" cho doanh nghiệp trong lúc này, tại tọa đàm "Gỡ nút thắt pháp lý cho bất động sản: Từ chính sách đến thực tiễn", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), cho rằng để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động xem xét lại nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có. Chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng mà doanh nghiệp có đủ năng lực triển khai. Kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết, bán một phần hoặc toàn bộ dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện.
Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các khách hàng, nhà đầu tư hoặc liên hệ qua các đơn vị chuyên nghiệp để hỗ trợ kết nối với các đối tượng có nhu cầu hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án. Để sớm đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp cần giảm bớt kỳ vọng, thậm chí sẵn sàng chấp nhận bán lỗ, “không thể khó khăn cũng đòi có lãi", ông Đính nhấn mạnh.
Phải "cân não" giữa việc giảm kỳ vọng xuống để giảm gánh nặng chi phí, mang dòng tiền về tái thiết lập bộ máy, thực hiện các dự án khả thi với việc tiếp tục “ôm” dự án, gồng gánh chi phí, “sa lầy” trong số lãi ngày càng tăng, đối mặt với nguy cơ “chết chìm trên đống tài sản”.
Đặc biệt, ông Đính thông tin, hơn một năm trở lại đây, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) ghi nhận mức độ "nóng" dần. Một số doanh nghiệp mạnh tay chi cho M&A nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh. Nhiều nhóm nhà đầu tư có sẵn tiền mặt đang tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng rót vốn vào các dự án tiềm năng.
Trong đó, phải kể đến dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đa số các nhà đầu tư này đều hướng đến các dự án có pháp lý tương đối hoàn thiện để tránh rủi ro.
"Đây là hướng đi cho những nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều dự án "sạch" có thể bán dự án hoặc hợp tác, tạo ra giá trị và lợi ích cho cả hai bên. Đó là cách giúp các doanh nghiệp có thể xoay xở dòng tiền để trả nợ, tránh tình trạng sụp đổ, giải thể hoặc mang dòng tiền tiếp tục triển khai các dự án khác. Chống thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa hàng vào thị trường", ông Đính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để có dòng tiền đầu tư trở thành “chất xúc tác” cho thị trường, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh hoàn thiện và ban hành khung pháp lý, các chính sách khuyến khích đầu tư cho các nhà đầu tư trong ngoài nước. Song song với đó, Nhà nước cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ triệt để các vướng mắc pháp lý cho các dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thị trường.