Chuyên gia nói gì về đề xuất giảm thuế VAT hỗ trợ doanh nghiệp?
(DNTO) - Trong bối cảnh dòng tiền cực khó, chính sách giảm thuế VAT 2% là giải pháp căn bản, một liều thuốc điều trị trực diện cho doanh nghiệp và người dân "dễ thở" hơn. Hy vọng rằng, liều thuốc này sẽ được thẩm thấu một cách hiệu quả trong năm 2023.
Đề xuất giảm tiếp thuế VAT xuống 8%
Kinh tế khó khăn, người dân thắt lưng buộc bụng khiến sức mua giảm sâu, hệ quả là doanh nghiệp thương mại, sản xuất đều lao đao. Theo các chuyên gia, những khó khăn của doanh nghiệp đã xảy ra từ quý 4/2022, nhưng đến quý 1/2023 mới “đậm nét” do thiếu đơn hàng sản xuất, áp lực chi phí đầu vào khi giá nguyên vật liệu tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia.
Thời gian này, hỏi tình hình mua bán, tiểu thương từ chợ lẻ đến chợ sỉ, cửa hàng, trung tâm thương mại... chỉ chung một cái lắc đầu ngao ngán là "ế quá". Mặt bằng kinh doanh ở những vị trí đẹp năm ngoái người thuê phải săn lùng mỏi mắt thì năm nay được thanh lý trả hàng loạt.
"Đói" đơn hàng, nguồn vốn hiện lan rộng sang nhiều ngành, lĩnh vực, như da giày, gỗ... “Hầu hết doanh nghiệp đều sụt giảm đơn hàng, đặc biệt với hai thị trường Mỹ và EU đang giảm quá nửa. Dòng tiền đang cực khó khăn nên doanh nghiệp đa phần phải cắt giảm mạnh lao động”, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài xác nhận.
Theo khảo sát, điều tra hơn 12.000 doanh nghiệp trong 63 tỉnh, thành phố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động nhiều mặt tới doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường… và sự lạc quan của doanh nghiệp cũng giảm đi nhiều.
Theo các chuyên gia, mong mỏi của doanh nghiệp, các hiệp hội là thực thi chính sách tốt hơn nữa. Bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn, nên chúng ta cần tính đến gói hỗ trợ không kém như trước đây. Bởi suy cho cùng, nguồn thu ngân sách có bền vững hay không phụ thuộc vào "sức khỏe" của doanh nghiệp, người dân. Người dân có tích lũy thì họ mới tăng tiêu dùng, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu thì kinh tế mới tăng trưởng, ngành thuế mới có tăng thu.
Theo đó, để giúp doanh nghiệp phục hồi và duy trì đà tăng trưởng, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, trong đó đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế GTGT năm 2023.
Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%); Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vụ Chính sách thuế đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành (dự kiến 1/7) đến hết ngày 31/12/2023.
"Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn, nên việc giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa và hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đáng chú ý, rủi ro lạm phát được dự báo ở mức cao trong thời gian tới, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá hàng hóa tiêu dùng, góp phần kích cầu tiêu dùng nhưng không làm tăng lạm phát", ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết.
Cần giảm trên diện rộng và "dài hơi" hơn
Đánh giá về gói hỗ trợ này, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% trong năm nay để trợ lực cho doanh nghiệp trong ngành thực phẩm “giải bài toán khó hiện nay một cách thiết thực nhất”.
"Chính sách giảm thuế GTGT cần được ban hành sớm vì đã bước sang quý II/2023. Chính sách giảm thuế liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, nên cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện phương án để trình cấp có thẩm quyền. Việc đó cần được bàn từ bây giờ vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Long cho hay.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh – HUBA) cho rằng: Dự kiến áp dụng thuế GTGT trong vòng 6 tháng (từ ngày 1/7 đến hết tháng 12/2023) là quá ngắn, không đủ độ trễ để chính sách này phát huy tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này có thể làm cho người nộp thuế chưa tính toán xong kế hoạch kinh doanh thì việc giảm thuế GTGT đã hết thời gian áp dụng.
"Nên giảm thuế VAT kéo dài ít nhất 1 năm, để mùa Tết Nguyên đán 2024 người tiêu dùng còn được giảm thuế, tăng mua sắm trong mùa cao điểm nhất của năm", ông Nghĩa kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), nhìn nhận, nên chọn phương án giảm thuế suất trên diện rộng với tất cả nhóm hàng hóa có thuế suất 10% về 8% thay vì loại trừ một số nhóm hàng dẫn đến nhiều rắc rối khi áp dụng mà không có tác dụng lan tỏa.
"Nên đưa thuế GTGT với nhóm hàng nông sản, thực phẩm về 0% bởi đây là nhóm hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu. Hiện tại, các doanh nghiệp bán hàng xuất hóa đơn phải tính thuế cho người tiêu dùng trong khi các hộ kinh doanh, nộp thuế khoán lại không cộng thuế tạo ra sự bất bình đẳng", Phó Chủ tịch AFT đề xuất.
Hy vọng rằng với những kinh nghiệm "bỏ túi" từ đợt giảm thuế VAT trong năm 2022 sẽ được áp dụng một cách hiệu quả, nhuần nhuyễn, tránh những tác động không mong muốn khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tính toán đến cả chuỗi cung ứng từ đầu vào cung ứng nguyên liệu đến khâu bán lẻ cuối cùng để thuận lợi cho doanh nghiệp trong áp dụng.