Tạo động lực cho doanh nghiệp trước những biến đổi khó lường
(DNTO) - Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo, gây bất lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, đòi hỏi các chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội cũng phải "chuyển mình" theo bối cảnh mới.
Thời điểm "kích hoạt" các chính sách
Theo kết quả tổng hợp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, hiện nay, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với quý 3/2022. Các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...
Cụ thể, báo cáo điều tra ghi nhận có 26% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới giảm sút, 28% đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu mới đi xuống, 21% doanh nghiệp dự báo tồn kho thành phẩm tăng và 25,6% doanh nghiệp dự kiến khối lượng sản xuất giảm, theo đó tỷ lệ sử dụng công suất sử dụng máy móc thiết bị xuống còn 71,7%. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
“Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo. Thậm chí, thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô”, các chuyên gia cảnh báo.
Nhìn trên khía cạnh này, rõ ràng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ, nhất là khi thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả...
Chia sẻ tại Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2022, ngày 25/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, nhận định, kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn từ đại dịch và có sự phát triển “ngược dòng” với các nước khi duy trì đà tăng trưởng tốt, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, nhưng là một nước có độ mở lớn nên động lực tăng trưởng cũng chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi ngân sách nhà nước... đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nêu quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá năm 2022 là một năm khá đặc biệt khi thị trường thay đổi đột ngột.
“Nửa đầu năm, kinh tế khá tốt, chúng ta chỉ lo ngại vấn đề lạm phát, đặc biệt giá xăng dầu tăng, nhưng đến cuối năm bộc lộ hàng loạt vấn đề. Tăng trưởng theo quý sẽ là một hiện tượng đặc biệt, khi kinh tế năm nay sẽ đi xuống vào quý cuối của năm, trong khi theo thông lệ, Việt Nam thường đi lên vào cuối năm, và lạm phát cũng tăng lên”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Để vừa tăng trưởng và vừa kiểm soát được lạm phát, vị chuyên gia khuyến nghị sử dụng chính sách tài khóa cần linh hoạt, mềm mỏng hơn, trong đó đặc biệt lưu ý đến giảm thuế suất thuế GTGT. Ngoài ra cần tăng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN). Ông cũng thông tin dự toán chi NSNN năm 2023 cho thấy chi đầu tư sẽ tăng từ dưới 30% lên 35% trong tổng chi ngân sách.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là hoạt động giảm thuế VAT 2% sang năm 2023 như một "liều thuốc bổ" tiếp sức cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Trước đó, theo Nghị định 15/2022, cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% (thay vì mức 10% như trước). Tuy nhiên, chính sách giảm VAT này có hiệu lực từ 1/2 đến hết 31/12/2022 và chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.
“"Tôi cho rằng, trong năm 2023 tới, Chính phủ vẫn nên trình Quốc hội đề nghị tiếp tục có những giải pháp mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó giảm thuế VAT 2% là giải pháp cần thực hiện do doanh nghiệp và người dân vẫn rất khó khăn. Đây là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất và suy cho cùng doanh nghiệp, người dân thụ hưởng trực tiếp nhất", ông Tuấn nói.
Đồng thời nhấn mạnh: "Với những gói tài khoá có tỷ lệ giải ngân rất thấp như gói hỗ trợ lãi suất 2%, đến nay mới chỉ giải ngân được trên 0,03% so với tổng số vốn của chương trình..., khi đã không thấy hiệu quả thì cần nhanh chóng chuyển nguồn lực sang thực hiện giảm thuế, phí cho doanh nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế một cách nhanh nhất".
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), hiện tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, nhưng cũng nhiều doanh nghiệp chưa vay được do nhiều ngân hàng, tổ chức thực hiện cho vay vẫn còn khá dè dặt, chưa thực sự quyết liệt tạo điều kiện khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn khó tiếp cận vốn.
Các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Theo đó, cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng”, ông Nam kiến nghị.
Hỗ trợ quy mô lớn nhất
Các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm cần đa dạng hóa nguồn thu cho ngân sách nhà nước, huy động mọi nguồn lực tài chính nhằm "bơm khí tươi" để tăng sức chống chịu của doanh nghiệp trước những biến đổi khó lường.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng kinh tế thế giới và Việt Nam đang ở giai đoạn “rất khác thường”, cần ứng biến với những rủi ro. Việc gì liên quan đến kinh tế thị trường thì phải dốc sức vận hành hoạt động bình thường trong cái khác thường, tư duy lúc này cũng phải khác thường.
Nhấn mạnh rằng đây là thời điểm để Chính phủ dễ dàng phát hiện ra những điểm bất hợp lý trong chính sách, quy định pháp luật, ông Thiên nêu ví dụ về sửa đổi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
“Phải phân biệt rõ khái niệm PPP với xã hội hóa đầu tư nói chung. Khung pháp lý nó là gì, lợi ích của nhà nước và lợi nhuận của doanh nghiệp ra sao, khi triển khai ra sẽ thế nào...”, ông Thiên nói.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết thời gian tới sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với quy mô rộng khắp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí và lệ phí đã và sắp ban hành ngay trong thời gian tới, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính.
"Đặc biệt là cải cách trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đây là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu được đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế và phù hợp với các tiêu chuẩn của thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý trong nguồn lực cho ngân sách Nhà nước.
"Những nỗ lực này sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Tuấn Anh chia sẻ.