Giải pháp căn cơ nào để 'ghìm cương' những mặt hàng đang tăng giá bất thường, vô lý?
(DNTO) - Mặc dù giá xăng đã điều chỉnh giảm sâu hơn tuần nay, song các mặt hàng tiêu dùng, sản phẩm dịch vụ vẫn "làm thinh", không giảm như kỳ vọng của người dân, thậm chí, một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng giá. Nếu tình trạng này kéo dài, các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ khó phát huy tác dụng.
Nên chọn những mặt hàng có biến động mạnh để đưa ra mức giá trần
Trên thực tế, sau hơn một tuần giá xăng giảm mạnh trên 3.000 đồng/lít (từ 11/7), nhưng trên thị trường, giá cả hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm vẫn tăng rất mạnh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Khảo sát của Doanh Nhân Trẻ tại chợ Khu phố 2- Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) vào hôm nay, 21/7, giá gà ta tăng từ 120.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg; thịt heo ba rọi từ mức 110.000/kg lên 130.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn từ 130.000 đồng/kg lên mức 150.000 đồng/kg, sườn non 140.000-155.000 đồng/kg.
Giá các loại rau, củ cũng liên tiếp được điều chỉnh: Hành lá tăng từ 35.000 đồng/kg lên 42.000 đồng/kg; cà chua, bí xanh từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, rau muống từ 8.000 đồng/bó lên 12.000 đồng/bó, cải thảo từ 15.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg
Đồ khô như mắm, muối... cũng tăng 2.000 - 3.000 đồng/chai. Đặc biệt, giá tăng cao nhất là dầu ăn với mức tăng khoảng 5.000 - 7.000 đồng/chai.
"Lúc giá xăng dầu tăng thì người bán kiếm cớ tăng giá, nay giá xăng dầu giảm sao chưa thấy giảm giá bán?", người dân đi chợ bức xúc.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, nên giá cả thị trường lên xuống cần có độ trễ nhất định, tức có thể hiểu là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực điều chỉnh giá cả.
Cụ thể, hàng hóa thành phẩm, nhất là hàng hóa nhập khẩu, muốn giảm giá phải phụ thuộc vào hàng hóa thế giới và phải có độ trễ nhất định do vận chuyển, thời điểm hàng hóa được sản xuất thì giá cả thế nào... Hơn thế nữa, mọi thứ vẫn còn phải “nghe ngóng” tình hình với kỳ điều hành xăng dầu tiếp theo (ngày 21/8) rồi mới tính tiếp.
"Tôi theo dõi giá hàng hóa bán lẻ mấy chục năm nay và nhận thấy giá có thể lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc. Ngoài ra, nếu chúng ta có biện pháp để giảm giá xăng từ sớm thì đã không có cơn sốt giá như hiện nay”, ông Phú nói.
Ông Phú cũng nhận xét, hàng nghìn mặt hàng buôn bán ở các chợ truyền thống hiện đang bị thả nổi, không thể quản lý được bởi đó là mặt hàng tự do, nhiều thì bán rẻ, ít thì bán đắt.
“Hơn 80% hàng tươi sống ở chợ truyền thống, chúng ta không quản lý được. Do vậy, muốn quản lý được giá thì các cơ quan chức năng phải chọn những mặt hàng thiết yếu để bình ổn, phải làm cho bằng được. Mức giá trần sẽ là "cây gậy" để chúng ta kiểm soát giá, nhất là những mặt hàng đột biến tăng lên 30% thì phải kiểm soát chặt.
"Ví dụ ở Malaysia, người ta chọn thịt gà để đưa ra mức giá trần. Trong lúc cấp bách thì phải có những biện pháp cấp bách. Điều này trong Luật Giá của chúng ta cũng cho phép, muốn làm được thì quản lý thị trường phải làm thực sự chứ không thể rong chơi, phạt vạ mãi được”, ông Phú cho hay.
Đồng thời, ông nhấn mạnh, “Giá trần ở đây phải được áp dụng một cách linh hoạt tại thời điểm nhất định chứ không đặt trần mãi, khi giá đã ổn định thì phải dỡ trần để hàng hóa được lưu thông bình thường. Chúng ta theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, khi nào giá tăng đột biến và vô lý thì có quyền yêu cầu kê khai. Có quy định rồi nhưng chúng ta có làm hay không thôi, có làm một cách nghiêm túc hay không. Hiện chúng ta có ra giá trần để kiểm soát, quản lý giá đâu?”, ông Phú nói.
Cần sự bình ổn mang tính vĩ mô
TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng để chống cú sốc giá cả leo thang hiệu quả, nhà nước cần thiết lập các giải pháp tổng thể từ giảm thuế, phí cho đến trợ cấp cho các ngành nghề đặc thù.
“Chẳng hạn, với người nghèo, nhà nước có thể phát phiếu xăng hỗ trợ họ. Mặt khác, nhà nước cần trợ cấp chi phí nhiên liệu cho các doanh nghiệp vận tải sẽ tác động dây chuyền giảm giá thành sản xuất, chế biến và qua đó hạ nhiệt lạm phát", ông Thịnh khuyến nghị.
Nêu quan điểm, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng chúng ta vẫn có thể nghiên cứu cắt giảm nữa đối với giá xăng dầu.
“Cụ thể vừa qua mới giảm thuế bảo vệ môi trường, hiện còn 3 sắc thuế đánh vào phần trăm của giá bán xăng dầu trên thị trường, nếu giảm được các sắc thuế này sẽ giảm được nhiều. Tôi đánh giá cao việc Bộ Tài chính đang nghiên cứu các phương án để giảm các sắc thuế còn lại, nhằm giúp cho kinh tế phục hồi phát triển trong thời gian tới”, ông Lâm đánh giá.
Ở góc nhìn khác, để giúp kiểm soát bão giá hiện nay, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần triển khai việc giảm thuế xăng dầu vào thực tế càng nhanh càng tốt thay vì để đến tháng 10 mới trình lên Quốc hội, bởi khi ấy giá cả liên tục tăng sẽ gây gánh nặng chi phí rất lớn lên người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.
Hiện cấu thành khoản thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam vào khoảng 1/3. Với mức giá như hiện nay, nếu loại bỏ thuế, phí, không thu một đồng nào thì giá xăng dầu giảm xuống gần 20.000 đồng/lít.
“Nếu nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam theo giá thế giới, bản thân xăng dầu sản xuất tại Nghi Sơn và Dung Quất hiện nay cũng biến động theo giá thế giới thì chúng ta có công cụ thuế, phí để hạ nhiệt xăng. Cụ thể là cắt giảm thuế, phí hoặc miễn, giảm thuế, phí đối với xăng dầu trong một thời gian để giúp ghìm cương giá cả”, TS Ánh nhấn mạnh.