Ngân hàng tìm 'lá chắn' bảo vệ trước rủi ro nợ xấu nội bảng sẽ đạt đỉnh cuối năm
(DNTO) - Lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt sau khi Thông tư 02 cơ cấu thời gian trả nợ hết hiệu lực, trong khi các ngân hàng lại đang trầy trật "mắc đủ đường" khi thu hồi nợ. Đứng trước áp lực này, các ngân hàng mong muốn được "gia cố" quyền đòi nợ.
Tính đến ngày 22/7 có 11/27 ngân hàng đã "vén màn" báo cáo tài chính với lợi nhuận suy giảm do tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần thu hẹp và đặc biệt nợ xấu ngày càng phình to so với cuối năm 2022.
Là nhà băng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý II/2023, BacAbank ghi nhận gần 96.595 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng tại ngày 30/6/2023. Trong đó, nợ xấu (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) xấp xỉ 679 tỷ đồng - tăng trên 32,1% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,55% tăng lên 0,7%. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt 316% sau 6 tháng; nợ nghi ngờ tăng 52% và nợ có khả năng mất vốn tăng gần 1,4% so với cuối năm 2022.
Tương tự, TPBank, nợ xấu hết quý II/2023 đã tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm, lên 3.912 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp hơn 5,5 lần lên 2.146 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp 2,5 lần, lên gần 1.130 tỷ đồng.
Nguy cơ nợ xấu gia tăng đã được nhiều ngân hàng lường trước từ đầu năm nay. Ngay cả "ông lớn" Agribank, vốn có thành tích xử lý nợ xấu rất tốt 5 năm trước đây (giai đoạn 2016-2020 đưa nợ xấu từ 8,1% xuống còn 1,86%) hiện cũng đang "nóng ruột" vì nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Argibank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank thừa nhận, thực tế tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực nợ xấu gia tăng trong thời gian tới là rất lớn.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, nợ xấu ngân hàng và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng. Vào thời điểm cuối quý I năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%. VCBS dự báo, rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024, trong đó cảnh báo, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao, có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.
Không chỉ nóng ruột vì nguy cơ phình to của nợ xấu, các ông chủ nhà băng còn đau đầu vì xử lý nợ "mắc đủ đường". Cụ thể, thông tư 02 về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng có thời hạn 1 năm đến hết tháng 6/2024, được xem là "cửa sáng" cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn. Tuy nhiên, áp lực nợ xấu sẽ đẩy về tương lai khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nhất là trong trường hợp các ngân hàng không kiểm soát tốt chất lượng tài sản khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Chưa kể, thời gian qua các ngân hàng dồn dập bán đấu giá khoản nợ, rao bán tài sản bảo đảm. Số lượng các khoản nợ, tài sản được rao bán trong giai đoạn gần đây ngày càng tăng nhanh với giá trị chỉ từ trên 500 nghìn đồng (nợ tiêu dùng) cho đến các tài sản giá trị hàng trăm, nghìn tỷ đồng.
Thế nhưng, việc thanh lý tài sản khó khăn. Rất nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản rao bán 10-20 lần vẫn "ế", các ngân hàng gặp nhiều vướng mắc do khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Theo như lời TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.
Trong bối cảnh đầy biến động hiện nay, một số ngân hàng lựa chọn chiến lược thận trọng, chấp nhận tăng trưởng thấp để quản lý rủi ro, như VietcomBank. Trong quý I/2023, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank thấp nhất trong 5 năm qua; tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng lên nhờ cho vay khách hàng doanh nghiệp (tăng 5,4% kể từ đầu năm), trong khi đó, dư nợ bán lẻ giữ nguyên, dẫn đến tỷ trọng bán lẻ từ 47,2% năm 2022 giảm xuống 46,1%.
Tại cuộc họp với các chuyên viên phân tích của các công ty chứng khoán, đại diện Vietcombank cho biết ngân hàng đã đánh đổi tăng trưởng cho vay bán lẻ để tập trung cho quản lý rủi ro, đặc biệt là các khoản vay mua nhà trong điều kiện thị trường không thuận lợi. Trong quý I, tiền gửi của Vietcombank tăng 3,1% so với đầu năm, cao hơn mức 0,8% của ngành và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ LDR thuần (cho vay/huy động) giảm từ 92,1% năm 2022 xuống 91,6% trong quý I/2023...
Đặc biệt, để tự bảo vệ mình, mới đây các nhà băng đã lên tiếng đề xuất quy định "quyền đòi nợ", ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho rằng, hiện nay người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất. Do đó, ông kiến nghị cơ quan quản lý cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. “Ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ”, lãnh đạo VPBank nói.
Tương tự, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB đề nghị Quốc hội và Chính phủ luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả.
"Cần xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang, lãnh đạo MB kiến nghị.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng trong các vụ án hình sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ.
Đồng thời, cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp bộ ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, ban hành hướng dẫn về định giá khoản nợ xấu thông qua Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam theo quy định của Luật Giá, hình thành thị trường mua bán nợ.