Doanh nghiệp tư nhân và bài toán tăng trưởng xanh: Sống còn trong cuộc chơi toàn cầu

(DNTO) - Tăng trưởng xanh không còn là khẩu hiệu trong văn kiện hay lựa chọn mang tính đạo đức của doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế quốc tế định hình lại các chuẩn mực thương mại theo hướng “phát thải thấp - truy xuất rõ - tuần hoàn toàn trình”, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bắt buộc phải chuyển mình nếu không muốn bị gạt khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Áp lực xanh hóa và khoảng trống thực tiễn trong khu vực tư nhân
Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân năm 2024 cho thấy có tới 50% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính khi chuyển đổi xanh, chỉ 5,9% không thấy khó khăn về vốn, 48,6% than phiền thiếu nhân lực chuyên môn và 44,2% gặp trở ngại trong xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh. Tỷ lệ doanh nghiệp có nhận thức cần thiết là thấp: chỉ 16,9% gọi là rất cần thiết và 48,7% cho là cần thiết, trong khi 17,4% thậm chí cho rằng không cần thiết và 64% chưa có kế hoạch gì cho chuyển đổi xanh.
Con số này phản ánh thực tế đáng lo ngại: phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị ngoài quốc doanh và không có vốn đầu tư nước ngoài, vẫn xem tăng trưởng xanh là “việc của nhà nước”, là “trào lưu của doanh nghiệp lớn”, chứ chưa phải là yêu cầu sống còn trong mô hình kinh doanh.
Hạn chế lớn nhất của khu vực tư nhân nằm ở sự thiếu hụt về ba yếu tố: vốn, công nghệ và năng lực quản trị ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp). Chi phí đầu tư cho dây chuyền sản xuất phát thải thấp, hệ thống xử lý môi trường, hoặc chỉ riêng việc xây dựng hệ thống kiểm kê khí nhà kính đã vượt xa khả năng của phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, hệ sinh thái hỗ trợ như các tổ chức tư vấn ESG, đơn vị chứng nhận trung lập, hay nền tảng dữ liệu phục vụ kiểm kê phát thải vẫn còn manh mún và chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam.
Đặc biệt, thiếu hụt về thông tin đang khiến doanh nghiệp bị động. Họ không rõ CBAM là gì, chưa hiểu tại sao đối tác EU lại yêu cầu cung cấp dữ liệu vòng đời sản phẩm, càng không biết việc thiếu một bản báo cáo phát thải có thể khiến đơn hàng xuất khẩu bị từ chối ngay từ khâu chào giá.
Khi “bộ tứ trụ cột” trở thành lộ trình xanh hóa bắt buộc
Sự chuyển hướng chiến lược từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng chất lượng cao đã được cụ thể hóa bằng “bộ tứ Nghị quyết” (gồm các Nghị quyết 57, 59, 66 và 68). Đây không phải là những định hướng đơn lẻ mà là hệ trụ đỡ thể chế giúp Việt Nam thực hiện cam kết Net-zero đến 2050, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết 68 lần đầu tiên xác định doanh nghiệp tư nhân là lực lượng tiên phong trong các ngành mới nổi, trong đó có công nghệ xanh, năng lượng sạch và logistics carbon thấp. Điều này đặt ra yêu cầu: nếu muốn trở thành trụ cột phát triển quốc gia, khu vực tư nhân không thể tiếp tục dựa vào mô hình “lợi nhuận nhanh - đầu tư thấp - phát thải cao”.
Nghị quyết 57 và 66 giúp hoàn thiện môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo, bao gồm khung pháp luật về thị trường carbon, hệ thống kiểm kê và định giá phát thải. Còn Nghị quyết 59 chính là tấm gương phản chiếu các rào cản mới trong thương mại toàn cầu: doanh nghiệp không có chiến lược ESG sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng, không tiếp cận được dòng vốn quốc tế, và mất khả năng cạnh tranh trên chính thị trường nội địa khi các FDI tuân thủ tiêu chuẩn xanh ngày càng cao.
Thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào mọi chiến lược, dự án ngành, quy hoạch địa phương. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương phải rà soát, tích hợp nhiệm vụ xanh và thúc đẩy liên kết thông tin, truyền thông rộng khắp tới doanh nghiệp và người dân.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã kiến nghị bổ sung cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất cho các dự án xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn và áp dụng ESG. Bộ cũng sẽ trình Chính phủ ban hành hướng dẫn chính thức về tiêu chí dự án xanh trong năm 2025.

Xanh hóa doanh nghiệp tư nhân: Không chuyển đổi là tụt hậu
Bối cảnh quốc tế đang đặt ra tiêu chí xanh hóa toàn diện theo ESG, CBAM, truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị giảm phát thải. Trước thách thức đó, điều cần thiết không chỉ là lời kêu gọi chuyển đổi, mà là những chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp tư nhân thực hiện lộ trình xanh hóa một cách khả thi. Trước hết, cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh với vai trò tương tự như Quỹ phát triển DNNVV nhưng tập trung cho vay, bảo lãnh tín dụng và đồng tài trợ các dự án chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp cần được tiếp cận tín dụng xanh thông qua các tiêu chí rõ ràng và phù hợp, tránh tình trạng các ngân hàng chỉ ưu tiên doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh tài chính, vai trò của nhà nước trong cung cấp thông tin và hướng dẫn thực thi các công cụ xanh cũng rất quan trọng. Việt Nam đã thử nghiệm thị trường carbon từ 2023 và dự kiến vận hành chính thức vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, đến nay số lượng doanh nghiệp có khả năng tính toán và báo cáo lượng phát thải còn rất ít. Việc xây dựng bộ công cụ kiểm kê phát thải đơn giản, đa ngành, chi phí thấp, cũng như đào tạo đội ngũ nhân sự ESG là điều cấp thiết.
Quan trọng hơn, cần một hành lang pháp lý cho ESG: yêu cầu bắt buộc công bố thông tin môi trường - xã hội - quản trị với lộ trình rõ ràng; công nhận các đơn vị kiểm định độc lập trong chứng nhận ESG; thúc đẩy việc áp dụng ESG trong các doanh nghiệp niêm yết và các doanh nghiệp cung ứng cho chuỗi xuất khẩu. Không thể có tăng trưởng xanh nếu thiếu nền tảng pháp lý rõ ràng và có thể dự báo.
Trong một thế giới mà thương mại được định nghĩa lại bằng “lượng phát thải”, “truy xuất nguồn gốc” và “tác động môi trường”, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không thể tiếp tục tồn tại với tư duy cũ. Tăng trưởng xanh không còn là khái niệm chính sách, mà là yếu tố cạnh tranh then chốt.
Theo Báo cáo “Việt Nam 2045: Tăng trưởng xanh hơn - Con đường hướng tới tương lai bền vững” của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, có đến 43% lượng xuất khẩu của Việt Nam hiện nằm trong các ngành có mức phát thải cao, dễ bị ảnh hưởng bởi các chính sách như CBAM của EU hoặc quy định về truy xuất nguồn gốc và carbon ở Hoa Kỳ. Chỉ khoảng 9% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có hệ thống quản lý môi trường bài bản hoặc công bố thông tin ESG định kỳ.
Báo cáo ước tính nếu không có chiến lược xanh hóa, GDP của Việt Nam có thể mất 3,5% đến năm 2045 do ảnh hưởng từ thuế carbon, hàng rào kỹ thuật và giảm nhu cầu quốc tế.
WB ước tính, từ nay đến 2045, khu vực tư nhân cần huy động khoảng 210 tỷ USD cho chuyển đổi xanh - chiếm hơn 57% tổng nhu cầu tài chính cho tăng trưởng xanh.