Cô giáo dạy Lý khởi nghiệp làm son gấc

(DNTO) - Tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, trở về quê nhà làm giáo viên dạy Vật lý - Tin học tại Trường THCS - THPT Long Thạnh, huyện Giồng Riêng (tỉnh An Giang mới), cô giáo Nguyễn Thị Pha Phăng đã tự tìm tòi sáng tạo, khởi nghiệp sản xuất son môi làm bằng trái gấc, được nhiều người yêu thích.
Khởi nghiệp từ nhu cầu làm đẹp bản thân
Tại buổi họp mặt các doanh nhân trẻ miền Tây Nam Bộ, chị Pha Phăng đã tự tin giới thiệu các sản phẩm son môi cho khách hàng lần đầu tiên trải nghiệm các sản phẩm làm đẹp được làm từ quả gấc vốn dĩ rất quen thuộc với đời sống hàng ngày. Trong đó, son gấc được sản xuất có mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ nhiều độ tuổi, đặc biệt màu sắc đẹp, bắt mắt, cùng độ dưỡng cao bảo đảm an toàn khi sử dụng .
Nói về duyên cớ khi làm son gấc, Chị Phăng cho biết, cách đây 4 năm, do bị tàn nhang và đồi mồi, chị đã dùng nhiều biện pháp từ điều trị laser đến nhiều loại mỹ phẩm dưỡng da nhưng không hiệu quả, được bạn bè giới thiệu dầu gấc dùng thử, chị đã nghiên cứu mày mò để tự sản xuất thủ công và sử dụng kiên trì trong vòng 6 tháng. Thấy công dụng quá tốt nên chị đã làm tặng cho bạn bè, người thân và nhiều người muốn mua nên chị bắt đầu làm để bán.

Cô giáo Pha Phăng giới thiệu các sản phẩm Son gấc
Từ những hiệu quả thực tế trên chính bản thân mình, chị Phăng bắt đầu nghiên cứu cách làm son gấc rồi rủ học sinh của mình cùng tham gia, nghiên cứu và trải nghiệm sản phẩm. Kết quả cho thấy sản phẩm son gấc có chất lượng ổn định. Cuối năm 2019, dưới sự hướng dẫn của thầy hiệu trưởng Trần Đức Toàn, cô và trò cùng đăng ký dự thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tổ chức. Giải Khuyến khích của cuộc thi đã tạo động lực cho chị Phăng tiếp tục phát triển sản phẩm độc đáo này.
Bước đầu khởi nghiệp khá gian nan, chị Phăng phải tích góp từng đồng vốn, trăn trở và "xoay vòng" để mua nguyên vật liệu. Do sản phẩm mới nên chưa có thương hiệu, chưa lấy được lòng tin của khách hàng nên bán rất chậm. Chưa kể lô hàng đầu tiên không đúng yêu cầu chất lượng, phải huỷ bỏ đã khiến chị nhiều hôm mất ngủ.

Nhiều chị em phụ nữ thích thú tìm hiểu về son gấc
Chị Phăng kể: “Ban đầu làm cũng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm cũng chưa hoàn thiện có khi thì khô quá, có khi thì màu chưa đạt... Mình không bỏ cuộc mà tiếp tục thử nghiệm điều chỉnh liều lượng thành phần thì khoảng 1 năm sau sản phẩm son môi cũng hoàn thiện đáp ứng được các yêu cầu về độ an toàn và thẩm mỹ”.
Với thương hiệu mỹ phẩm P'Phăng, chị Phăng tạo ra nhiều dòng son gấc như: dưỡng môi không màu, màu nhẹ, nhiều màu sáng đẹp để khách hàng chọn theo sở thích. Ngoài ra, P'Phăng còn có dầu gấc trị nám, tàn nhang, đồi mồi và ngăn ngừa mụn. Còn hạt gấc tưởng chừng như bỏ đi nhưng khi đem nướng cho vàng lên và ngâm rượu dùng để xoa bóp điều trị chấn thương, đau nhức xương khớp, viêm xoang rất hiệu quả.

Một số mẫu son gấc của cô giáo Pha Phăng
Chị Phăng cho biết, hiện nay mỹ phẩm hữu cơ đang được chị em quan tâm và tin dùng. Chị hướng tới phân khúc khách hàng từ 30 tuổi trở lên vì ở độ tuổi này, da của nhiều chị em đã sạm và môi bị khô. Thậm chí nhiều người dùng mỹ phẩm công nghiệp bị ảnh hưởng khiến da sẫm màu, môi bị thâm đen. Trong khi đó, sản phẩm hữu cơ lại không gây hại cho da, tuy tác dụng chậm hơn nhưng rất an toàn.
Hành trình vất vả đưa son gấc ra thị trường
Chị Pha Phăng vẫn nhớ như in những năm 2019, son gấc đã hoàn thiện và đã có giấy kiểm định đảm bảo không hóa chất của QUATEST 3 (KT-05422AH09). Sau đó, chị đã hướng dẫn nhóm học sinh của mình dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với đề tài “Tận dụng các phế phẩm từ quả gấc để làm nguyên liệu sản xuất một số sản phẩm chăm sóc da” (lĩnh vực hóa sinh) và đạt giải khuyến khích. Nhưng con đường tiếp theo đưa son gấc đến với rộng rãi người dùng không đơn giản do sự cạnh tranh cũng như thị trường có quá nhiều hàng nhập ngoại.

Qua nhiều khó khăn, son gấc của cô giáo Pha Phăng đã được nhiều khách hàng đón nhận
Nếu như lúc ban đầu khởi nghiệp hăm hở bao nhiêu thì sau đó lại thất vọng và chán nản bấy nhiêu. Tuy nhiên, với lòng quyết tâm, niềm đam mê, chị Phăng đã tìm hiểu để rút ra những phương án tốt nhất. Không ngần ngại, chị lấy hết can đảm "vượt lên chính mình" bằng cách livestream trên facebook để bán hàng. "Mới đầu, lượng người vào xem rất ít, chỉ có 20 đến 30 người nhưng tôi vẫn kiên trì làm theo cách này. Tranh thủ những buổi không dạy học hoặc buổi tối, tôi phát trực tiếp trên mạng để vừa làm, vừa bán son gấc và dầu gấc", chị Phăng chia sẻ.
Son gấc là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên tự sản xuất thủ công nên đảm bảo sạch, không dùng hóa chất bảo quản. Quả gấc tưởng chừng bình thường không ai để ý đến nhưng nhờ ý tưởng sáng tạo của chị Phăng đã mang lại giá trị lớn cho nó.
Chị Phăng cho biết, nguồn nguyên liệu gấc ở quê rất nhiều thường ăn không hết để rụng bỏ rất phí nên chị đã thu mua lại. Không chỉ vậy chị Phăng còn khuyến khích các em học sinh trồng gấc vì không tốn công chăm sóc mà tới mùa chín chỉ việc thu hoạch bán lại cho chị để các em có thêm tiền đi học.
“Các em học sinh của tôi đa phần ở trong xã rất khó khăn, cha mẹ đi làm xa các em ở với ông bà già yếu. Tôi bảo các em trồng gấc để bán cho cô vừa không tốn công mà có tiền trang trải được một phần chi phí học tập và việc này đã giúp được nhiều em rồi”.

Tinh dầu gấc mang lại nhiều công dụng làm đẹp an toàn
Nói về dự định thời gian tới, chị Phăng cho biết sẽ phát triển công ty để tạo cơ hội cho nhiều chị em phụ nữ tham gia, cùng nhau đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đồng thời cũng ấp ủ ước mơ đưa dòng son gấc Việt Nam đi xa hơn không chỉ trong nước mà còn ra thị trường nước ngoài. Hiện tại chị vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để làm sao không dùng hóa chất mà vẫn giữ được độ bền, lâu trôi hơn và thẩm mỹ cao hơn.