Doanh nghiệp hồ hởi trước thông tin gỡ 'rào chắn' tiếp cận tín dụng tại Thông tư 06
(DNTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhận "lệnh" của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tạm hoãn thực hiện một số quy định hạn chế cho vay trong Thông tư 06 từ ngày 1/9 cho đến khi có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới.
Cụ thể, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9 tới bổ sung quy định về cho vay phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đồng thời, thông tư bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, theo nhà điều hành tiền tệ, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đã ban hành thông tư số 10 ngày 23/8 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 điều 8 của Thông tư số 39/2016.
"Thông tư 39 đã được bổ sung theo khoản 2, điều 1 Thông tư số 06, từ ngày 1/9 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này", NHNN thông tin.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Thông tư 06 được ban hành vào cuối tháng 6 và dự kiến có hiệu lực vào 1/9. Trong đó, NHNN có nêu quy định mới về hạn chế cho vay đối với một số nhu cầu. Thông tư 06 nêu các trường hợp các tổ chức tín dụng không được cho vay. Song, các trường hợp được cho là có thể tác động mạnh đến doanh nghiệp, làm hạn chế vay tín dụng đúng lúc chủ đầu tư có nhu cầu vốn cao nhất.
Cụ thể, Thông tư này bổ sung phương án sử dụng vốn trong hồ sơ cho vay đối với các khoản vay mua nhà. Điều này được nhận định là thiết lập chặt hơn về quy trình, hồ sơ, kế hoạch trả nợ, giúp ngân hàng giảm rủi ro nhưng lại tác động đến khả năng tăng trưởng tín dụng cho vay mua nhà.
Bên cạnh đó, Thông tư này quy định chi tiết hơn một số nhu cầu vốn không được cho vay. Chẳng hạn như vay để thanh toán tiền góp vốn mua nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại các doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM; tiền để thanh toán góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư...; vay để bù đắp tài chính, trừ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện là bên vay đã ứng vốn thanh toán và trả các chi phí thực hiện dự án.
Ngoài ra, Thông tư cũng có quy định không cho vay để bù đắp tiền cho các khoản vay trừ khi đã được chi trả bằng chính vốn của khách hàng cho các dự án. Bên cạnh đó, quy định của Thông tư 06 cũng kiểm soát cho vay với một số lĩnh vực cụ thể như đầu tư chứng khoán, mua hoặc kinh doanh bất động sản, qua phương tiện điện tử...
Tuy nhiên, trước đó, một số ý kiến cho rằng Thông tư 06 dựng thêm rào chắn, làm cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước. Hôm qua (23/8), Thủ tướng tiếp tục yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, bỏ các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản tại Thông tư 06 trước 25/8. Việc sửa đổi Thông tư 06 theo chỉ đạo Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Nhận định về động thái này, ông Ngô Đức Sơn, Tổng Giám đốc DRH Holdings, cho rằng trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn, nguồn vốn là mối bận tâm lớn của nhiều doanh nghiệp thì đây là thông tin thật sự tích cực và kịp thời, chắc chắn sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc trong vay vốn của những doanh nghiệp có nhu cầu. Thực tế thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản khó khăn và trì trệ thủ tục pháp lý đã làm cho sản phẩm ra thị trường hiếm, giá cũng tăng và người mua sẽ thiệt thòi, kỳ vọng sau những nỗ lực từ Chính phủ, bộ ngành, thị trường bất động sản khởi sắc trở lại.
"Việc hoãn thi hành các khoản trên sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, điều này còn góp phần cải thiện tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế khi các nhu cầu vay vốn để góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh là rất lớn. Đối với ngành ngân hàng điều này sẽ phần nào tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tuy nhiên các ngân hàng cần kiểm soát rủi ro hiệu quả", ông Sơn nhận định.