Hết 'sốt' lãi suất huy động, 'sóng' chứng khoán hút dòng tiền từ nhà đầu tư
(DNTO) - Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng chỉ còn 6,3 - 7%/năm khiến người gửi tiền chuyển hướng "săn" tìm kênh đầu tư mới. Bắt mạch tâm lý thị trường, công ty chứng khoán "tranh thủ" nguồn vốn từ nhà đầu tư bằng cách nâng lãi suất nhằm phục vụ nhu cầu vay margin tăng cao chóng mặt.
Lãi suất tiết kiệm lao dốc tới 3-4%
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, biểu lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đầu tháng 8/2023 giảm từ 0,1 đến 0,7%/năm so với đầu tháng 7. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm. Lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 1 năm khoảng 6,3-7,8%/năm. Riêng với kỳ 6 tháng, có ngân hàng quốc doanh giảm về 5%/năm.
Như vậy, so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã hạ sâu tới 3-4%/năm, đặc biệt nhiều ngân hàng tư nhân còn điều chỉnh bảng lãi suất huy động thấp hơn so với nhóm Big 4 đang niêm yết tại kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Cụ thể, Ngân hàng Techcombank ngày 17/8 thông báo thay đổi biểu lãi suất tiết kiệm mới, giảm 0,1% ở loạt kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cao nhất tại Techcombank chỉ còn 6,3%/năm, áp dụng với khách hàng ưu tiên gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo hình thức online và số tiền từ 3 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng gửi online đã giảm xuống còn 5,85-6,2%/năm, trong đó, mức lãi suất 5,85-6,05%/năm dành cho khách hàng thường.
Cùng ngày, Sacombank cũng thông báo thay đổi biểu lãi suất huy động, giảm 0,2-0,8 điểm % so với trước, đặc biệt là kỳ hạn ngắn giảm rất mạnh. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng tiết kiệm online đã giảm từ 4,75%/năm xuống còn 3,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,75% xuống 4,1%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng khi gửi online, lãi suất huy động của Sacombank giảm 0,2 điểm % xuống còn 5,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 6,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 6,5%/năm.
Tương tự, một ngân hàng lớn khác là ACB cũng giảm sâu lãi suất. Hiện gửi tiền kỳ hạn 6 tháng-12 tháng theo hình thức của nhà băng này chỉ còn tối đa 6,2%/năm thay vì 6,4-6,5%/năm như trước...
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể giảm thêm khoảng 0,3-0,5 điểm % xuống 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2023 với các lý do: tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong nửa đầu năm nay giúp giảm bớt áp lực huy động vốn; Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công và các chính sách tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Dòng tiền dịch chuyển, thúc đẩy “sóng” chứng khoán
Trước xu hướng mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, các tổ chức kinh tế đã rút bớt tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng. Theo dữ liệu từ NHNN, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5 ở mức xấp xỉ 6,35 triệu tỷ đồng. Như vậy, so với tháng 4, tiền gửi dân cư chỉ tăng hơn 14.700 tỷ đồng, con số thấp hơn nhiều so với các tháng trước đó và thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, từ thời điểm này cho đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Thay vào đó sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm, trong đó "sáng cửa" nhất vẫn là chứng khoán.
So sánh mức "hưởng lợi" của dòng tiền càng thấy rõ, trong khi lãi suất tiết kiệm "nằm sàn", thì tại các công ty chứng khoán, khách hàng có thể nhận về mức lãi suất khá cao. Đơn cử như với sản phẩm hỗ trợ lãi suất D-Money của VNDirect, khách hàng có rất nhiều lựa chọn cho các kỳ hạn gửi từ 2 ngày cho đến 1 năm. Trong đó, các kỳ hạn từ 2-29 ngày, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất từ 3,3-5,8%/năm, gấp hàng chục lần so với tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng (chỉ 0,1-0,2%/năm).
Với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tại công ty chứng khoán này dao động từ 6,7-7,7%/năm (trong khi trần lãi suất tại các ngân hàng do NHNN quy định với kỳ hạn này chỉ là 4,5%/năm). Mức lãi suất cao nhất cho tiền gửi tại VNDirect ở kỳ hạn 1 năm hiện nay là 8,5%/năm. Trong khi tại các ngân hàng, mức lãi suất 8%/năm đã không còn xuất hiện.
Một số công ty chứng khoán thậm chí còn đẩy lãi suất lên gần 10%, như tại Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), lợi suất sản phẩm đầu tư elnvest Fix lên tới 9,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn 7 tháng đến 11 tháng, lãi suất dao động từ 9,1% - 9,5%/năm. Kỳ hạn 1-5 tháng, mức lãi suất tại VPBankS dao động từ 7,1-8,5%/năm, một mức lãi suất rất cao so với ngân hàng.
Đó là lý do số tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán hiện đang tăng mạnh. Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng vào thời điểm cuối quý 2/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (tương đương 2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ đồng so với quý trước.
Theo kỳ vọng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm 2023 có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 10.000-20.000 tỷ đồng nữa so với mức cuối quý 2/2023. Từ đó, thanh khoản bình quân dự báo dao động trong khoảng 18.000-20.000 tỷ đồng/phiên cho giai đoạn nửa cuối năm.
"Lợi suất của chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. Đơn cử như vàng, về cơ bản không mang lại lợi nhuận kể từ đầu năm và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định duy trì lãi suất cao trong suốt năm 2023 khiến giá vàng khó có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm", VDSC nhận định.