Gần 90% hàng Việt phục vụ Tết 'phủ sóng' tại các kênh phân phối
(DNTO) - Còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí mua sắm đang rất sôi động, lượng hàng hóa dồi dào. Đặc biệt, thị trường giỏ quà Tết năm nay chứng kiến sự áp đảo của hàng Việt, với mẫu mã phong phú, đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp với người tiêu dùng, từ cao cấp đến bình dân.
Hàng nội "lên ngôi", giá cả đa dạng
Nếu như các năm trước, tiêu chí khách hàng khi chọn quà Tết là các sản phẩm ngoại nhập có thiết kế đẹp, giá trị cao thì năm nay, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng thắt chặt hơn trong chi tiêu, các đơn vị bán lẻ đã cung ứng ra thị trường với nhiều sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm thiết yếu, có xuất xứ trong nước với mức giá tầm trung để phù hợp túi tiền của người tiêu dùng.
Dạo quanh các cửa hàng tạp hoá đến các siêu thị, hay trong các khu chợ truyền thống... điều dễ nhận thấy là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đều có xuất xứ Việt Nam như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước mắm của các thương hiệu quen thuộc như Bibica, Hữu Nghị, Tràng An, Kinh Đô, Orion, Richy, hay các loại trà, cà phê của doanh nghiệp Việt như Lipton, các dòng cà phê của Trung nguyên, Nescafe Việt, Meet More… chiếm tỷ lệ áp đảo so với hàng ngoại nhập cả về mẫu mã và số lượng, với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 4 triệu đồng/giỏ.
Đơn cử như siêu thị Big C, giỏ quà hương vị Tết có mức giá 450.000 đồng/giỏ bao gồm các sản phẩm đặc sản vùng miền như hạt điều rang từ Gia Lai, mãng cầu Đồng Tháp, chuối sấy Tây Bắc, cà phê Đà Lạt… Hay như giỏ quà Đặc sản Tết Việt giá 650.000 đồng/giỏ gồm các sản phẩm như trà xanh Hùng Thái (Thái Nguyên), chocolate Belvie (Lâm Đồng), bơ đậu phộng Dat Butter (Củ Chi), trà Cung đình Huế…
Hay như tại hệ thống siêu thị WinMart và WinMart+, với giỏ quà tết giá 594.000 đồng gồm 7 sản phẩm thì trong đó 6 sản phẩm mang thương hiệu Việt như hạt bí xanh của Thăng Long, bánh Richy, cà phê Nescafe, nước Yến Việt, rượu vang Đà lạt…
“Mọi năm tặng quà tết mình thường chọn hàng ngoại vì mẫu mã đẹp và nhìn sang trọng nhưng năm nay hàng Việt đầu tư mẫu mã, bao bì rất đẹp, khi lên giỏ quà tết không hề kém cạnh các sản phẩm ngoại nhập là bao, trong khi giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo nên tôi rất yên tâm khi chọn mua", chị Phạm Thanh Tâm, cư dân Rubycity3, Phúc Lợi, Long Biên, chia sẻ.
Chị Lê Minh Ngọc, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh giỏ quà Tết trên phố Sài Đồng (Hà Nội), cho biết, chỉ trong hai ngày 26 và 27/01, chị đã bán được khoảng 200 giỏ quà Tết. Các giỏ quà này thuần hàng Việt Nam với đủ loại đặc sản và trái cây của các vùng miền như cam canh Hà Nội, bưởi Tân Triều, quýt hồng Lai Vung, nho Ninh Thuận... được khách hàng chọn mua nhiều nhất.
"Nhìn chung, năm nay dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thị trường Tết vẫn khá sôi động. So với năm ngoái, mẫu mã, chủng loại giỏ quà Tết năm nay đa dạng với nhiều chủng loại, giá cả phải chăng, chỉ từ 300.000 - 600.000 đồng/giỏ. Đồng thời gần 90% các mặt hàng trong giỏ quà có xuất xứ từ các doanh nghiệp sản xuất uy tín trong nước", chị Ngọc cho hay.
Là doanh nghiệp chú trọng vào các sản phẩm quà tặng đặc trưng ngày Tết, ông Nguyễn Hà Quốc Anh, sáng lập và điều hành Công ty TNHH BaKafood cho biết: “Mấy năm trước chúng tôi còn làm quà cao cấp, đắt tiền, riêng năm nay phải làm nhiều combo tiết kiệm để anh chị em công nhân, người lao động ai cũng có thể tự mua cho mình một phần quà Tết. Tôi muốn những người khó khăn sau mùa dịch cảm thấy an lòng khi đón Tết trong khả năng của mình. Chưa năm nào làm quà Tết mà chúng tôi suy nghĩ nhiều như năm nay. Tết Nguyên đán năm nay, BaKafood dự kiến phục vụ thị trường khoảng 3.000 giỏ quà theo combo và thêm dịch vụ làm giỏ quà theo nhu cầu từng khách".
Không chỉ dừng ở bán các giỏ quà có sẵn, các siêu thị cũng linh hoạt làm giỏ quà theo yêu cầu của các "thượng đế," đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách hàng về mẫu mã, giá cả. Nhiều giỏ quà năm nay ưu tiên các thực phẩm tốt cho sức khỏe từ các vùng miền: các loại hạt, lạp xưởng, bánh gạo lứt, các sản phẩm “nhà làm”...
Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận xét, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm nhiều đến sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lan rộng, họ chuộng hàng hóa vị tự nhiên, không có gia vị tẩm ướp nhiều. Dường như trong đại dịch, người tiêu dùng đã có thời gian hơn để nhìn lại mình và nhìn thị trường quanh mình.
"So với hàng ngoại, hàng Việt có nhiều lợi thế riêng nhờ hiểu được thói quen của người tiêu dùng trong nước. Từ đó đã giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với các hàng nhập ngoại. Việc người tiêu dùng dành sự ưu ái, tin tưởng lựa chọn hàng Việt, góp phần giúp hàng Việt giành phần thắng trên "sân nhà", ông Phú nhận định.
Cũng theo ông Phú, rất nhiều sản phẩm Việt được “nâng lên tầm cao mới”, ngày càng tinh tế, sang trọng, chăm chút về hình thức, mẫu mã bao bì cải tiến rất kỹ lưỡng. Nhiều công ty cũng đã chú trọng nghiên cứu, chế biến các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người Việt.
"Khi một cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến đưa ra thông điệp là không có hóa chất, không chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, nguyên liệu hoàn toàn organic... là đã có tư duy đưa sản phẩm Việt trở thành mặt hàng sang trọng, xa xỉ đúng nghĩa của nó", ông Phú cho hay.
Đồng thời, để tính chuyện "đường dài" cho hàng Việt, chuyên gia Vũ Vinh Phú khuyến nghị: “Tết là dịp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cho doanh nghiệp từ nhà sản xuất đến bán lẻ rất tốt. Làm thế nào để sau dịp tết, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chọn lựa sản phẩm của anh để sử dụng chứ không phải chỉ mua mỗi một lần rồi họ bỏ đi. Vì vậy không thể giữ tâm lý làm ăn ngắn hạn, chỉ cần bán được hàng mùa tết mà đó là việc lâu dài, bán hàng quanh năm nên phải luôn đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý”.
Bên cạnh đó, các đơn vị phân phối, bán lẻ cũng phải tăng cường các kênh bán hàng, phục vụ chu đáo và chọn lựa sản phẩm chất lượng. Bởi thái độ phục vụ, quầy kệ trưng bày hàng hóa sạch đẹp... cũng góp phần thu hút người dùng.