Chủ đề gia đình trong chiến lược quảng cáo sản phẩm vào dịp Tết của các thương hiệu
(DNTO) - Tết với người Việt Nam không đơn giản chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tết thiêng liêng chính bởi ý nghĩa sum vầy của nó. Mong ước giản dị nhất của chúng ta, nhất là những người con xa quê mỗi dịp Tết đến có lẽ gói gọn trong hai chữ “Về nhà”...
Tết về nhà có ý nghĩa rất quan trọng với người Việt, nhất là đối với những người xa quê, bởi vì ở đó có hương linh tiên tổ, có cha mẹ, anh chị em, họ hàng… mà người ta gộp lại gọi chung là gia đình.
“Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”. Có lẽ khái niệm này chỉ dùng để các nhà chuyên môn sử dụng khi phân tích nó trên phương diện pháp lý.
Còn hầu như khi nhắc về gia đình người ta luôn đề cập đến cái “hồn cốt” của nó là sự yêu thương, là nền tảng tình cảm. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và che chở ta trong những ngày thơ ấu, là nơi nâng đỡ tinh thần, là tổ ấm để ta quay về nương tựa khi bị sóng đời vùi dập, là nơi gắn bó thiêng liêng để mỗi khi đi xa ta luôn luôn và mãi mãi nhớ về.
Mỗi khi đi xa, người ta thường hay than thở nhớ nhà, thật ra chính là nỗi nhớ những con người ở trong ngôi nhà ấy. Và đấy là nỗi nhớ thiêng liêng nhất, khắc khoải nhất, da diết nhất nhưng cũng mong manh nhất. Chỉ cần chạm vào là lập tức nó vỡ òa ra, chỉ cần nhắc đến là nó được kết nối tức thì.
Nắm bắt được tâm lý này, các thương hiệu đã khai thác đề tài gia đình như là một “mảnh đất” màu mỡ cho chiến lược quảng cáo của họ, nhất là trong dịp Tết. Cách đây nhiều năm, slogan “Về nhà đón Tết, gia đình trên hết” của Neptune đã gặt hái được thành công vang dội không ngờ.
Để thay cho những lời yêu thương ngại nói với ba mẹ trong ngày tết, ý tưởng “Vinacafé – Cup of love” ra đời. Đó là món quà kèm theo mỗi hộp cà phê. Trên chiếc cốc, in những “lời tỏ tình” rất dễ thương: “Mẹ hay càm ràm nhưng làm vì con tất cả”, “Ba là tài xế không bao giờ ế”... Chiến lược quảng cáo này của Vinacafé vào dịp Tết 2015 đã có 24 triệu lượt người xem với hơn 2,5 triệu lượt tương tác.
Tương tự, trong hai năm 2017 và 2018, Biti's cũng mở ra một chiến dịch truyền thông tập trung khai thác đề tài gia đình là “Đi để trở về” gây xôn xao trong giới trẻ, “Đi để trở về” đánh trúng tâm lý của nhiều người trước sự phân vân có về nhà ăn Tết hay không. Chiến dịch này góp phần làm doanh số Biti’s tăng trưởng đến 250% ở cuối mùa 2 và giữ vị trí Số 1 Youtube Ads Leaderboard Tết cho hai năm.
Tết 2021 sản phẩm điều hòa Akino đã tung ra một thước phim quảng cáo với thông điệp “Huy hoàng của tuổi già là tết sum vầy bên con cháu”. Còn video quảng cáo “Món quà tặng cha” của Dr.Thanh nói lên nỗi lòng của rất nhiều người con xa quê mong được về nhà đón Tết cùng gia đình, đã truyền tải rất thành công thông điệp về lòng biết ơn với đấng sinh thành.
Câu chuyện Tết năm nay - 2022 - của các thương hiệu phổ biến vẫn là những câu chuyện xoay quanh gia đình: TVC “Mang kỳ diệu về nhà” của Coca-Cola, Music Video “Vùng ký ức ngọt ngào” của thương hiệu Alpenliebe, Pepsi vẫn là “Mang Tết về nhà”, hay “Tết giữ nếp nhà” của Yến sào Thiên Việt…
Chủ đề gia đình tuy cũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Mỗi năm Tết đến nó lại được các doanh nghiệp thổi vào một hơi thở mới để làm nên những chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm của mình. Một chiến dịch quảng cáo Tết thành công chính là mục tiêu mà nhiều nhãn hàng hướng đến.
Một cái Tết nữa lại về. Trên những con đường, góc phố đã rực rỡ sắc màu.Và tràn ngập trong không gian, không khí Tết đã dần lan tỏa tuy không được rộn ràng như mọi năm do tình hình dịch bệnh. Có thể rất nhiều người sẽ không thể thực hiện được mong ước đoàn viên vào mùa xuân này nhưng trong lòng mỗi người Việt, “về nhà” là mong ước, là mục tiêu, là “nỗi ám ảnh” của không ít người con xa quê trong những ngày Tết. Đánh trúng tâm lý này của nhiều người, quảng cáo Tết của các thương hiệu đã chạm vào cảm xúc của người xem, góp phần đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng