‘Nội tướng’ - người chỉ huy đẳng cấp của mỗi gia đình
(DNTO) - Không phải ngẫu nhiên mà người phụ nữ trong gia đình từ xa xưa đến ngày nay được phong là “nội tướng”. Bản thân từ “nội tướng” đã cho thấy vai trò quan trọng lẫn vinh quang của nó. Trong đại dịch Covid-19, "nội tướng" chính là dấu ấn đặc biệt trong mỗi gia đình.
Trong thời chiến, các vị tướng là người lãnh đạo ba quân chống giặc ngoại xâm. Lúc thanh bình, họ là người điều động binh hùng giữ an bờ cõi. Tuy không phải là cấp hàm “có thật”, nhưng trong từng gia đình, “nội tướng” được ví như người chỉ huy, cầm cương, tổ chức điều hành mọi việc trong nhà.
Trước đây, việc kiếm tiền là trách nhiệm chủ yếu của người đàn ông, vai trò nội trợ trong nhà khi đó đặt hết lên vai người phụ nữ. Trong suy nghĩ của rất nhiều người, nội trợ bao gồm công việc dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, nấu nướng, chăm lo gia đình và nuôi dạy con cái…
Nói như vậy cũng không sai. Nhưng thật ra, để có thể hoàn thành tốt những công việc tưởng chừng đơn giản như trên, người phụ nữ phải vận dụng cả trí tuệ, tình yêu và rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống. “Giàu vì bạn, sang vì vợ” hay “Chồng khôn vợ đặng đi giày/Vợ khôn chồng đặng có ngày làm quan”, hoặc “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… cho thấy, người phụ nữ trong gia đình chiếm một vị trí rất quan trọng, trách nhiệm của họ rất nặng nề và đôi khi không phải dễ dàng.
Trước hết họ chính là tay hòm chìa khóa, nắm giữ và điều hành trong “lĩnh vực kinh tế”: Quản lý ngân quỹ, cân đối thu chi. Tùy theo mức thu nhập của từng gia đình mà “nội tướng” phải tính toán sao cho hợp lý...
Với các mối quan hệ ứng xử hai bên nội ngoại, họ hàng cũng như các mối quan hệ khác bên ngoài xã hội, thậm chí cả “bạn nhậu” của chồng, họ phải làm sao cho trong ấm ngoài êm, làm sao cho vẹn cả đôi đường. Phải thấy được khó khăn để giúp đỡ và sẵn sàng hòa giải khi có xung đột. Tránh tình trạng dấm dúi đằng ngoại, chèn nhét đằng nội gây ra nghi ngờ, đố kỵ, bất hòa… Khi đó họ không khác gì “nhà ngoại giao”.
Mỗi sáng xách giỏ ra chợ, họ phải tính xem món nào cho người già ít đường, không cholesterol, món nào cho trẻ nhỏ vừa nhiều đạm nhiều chất khoáng, món nào cho cô con gái đang tuổi dậy thì đẹp da, dày tóc…, món nào cho ông chồng béo bụng cần ăn kiêng… Làm sao vừa khẩu vị mọi người mà lại vừa cân đối dinh dưỡng… Khi đó, họ vừa là đầu bếp trong khâu ẩm thực vừa là chuyên gia dinh dưỡng…
Bất kể ai trong nhà bệnh tật ốm đau, nằm viện…, khi đó họ không khác gì một điều dưỡng kiêm tạp vụ. Không kể họ còn là nhà giáo dục, nhà thiết kế thời trang kiêm một số "nhà" không tên khác. Bấy nhiêu thôi họ xứng đáng được phong “tướng” rồi.
Ngày nay, người phụ nữ ngoài gian bếp của mình, họ còn tham gia công việc ngoài xã hội. Có chị kiếm tiền nhiều hơn người đàn ông của mình. Vậy vai trò nội tướng của họ có bị ảnh hưởng gì không? Không có gì khác, chỉ là có nâng cao hơn. “Nội tướng” ngày nay không chỉ đảm đang tề gia nội trợ, mà còn phải biết cân bằng giữa công việc cơ quan và gia đình, cần phải có những kỹ năng cao cấp hơn trong tổ chức cuộc sống.
Nếu như ngày xưa họ chỉ thui thủi làm “tướng” một mình thì ngày nay họ còn phải có thêm kỹ năng sắp xếp, “lôi kéo” các ông chồng vào cuộc. Đối với các gia đình có người giúp việc, các chị còn phải trổ tài "chỉ đạo" sao cho bộ máy hoạt động trơn tru có hiệu quả.
Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến thu nhập của từng cá nhân gia đình là không tránh khỏi. Thất nghiệp, thiếu lương thực, tù túng, lo lắng, sợ hãi là những áp lực nặng nề đặt lên vai “nội tướng”. Chia sẻ, an ủi, khích lệ tinh thần, động viên người đàn ông của mình bình tĩnh, lạc quan để tìm cách vượt qua khó khăn, trong khi gan ruột họ cũng rối rắm không khác gì anh ấy, đó là công việc không hề đơn giản.
Trong những ngày này, “nội tướng” còn phải ngày đêm cắm mặt trên màn hình tìm nguồn mua lương thực, thực phẩm; Tính toán thực đơn từng bữa ăn sao cho hợp lý, cái nào ăn trước, cái nào ăn sau để nguyên liệu không bị hư; Tổ chức học tập vui chơi cho các con nhỏ…
Nhiều chị là doanh nhân, ngoài việc đối phó với tình hình dịch bệnh trong doanh nghiệp, quán xuyến việc nhà, nhiều chị còn tham gia công tác xã hội như huy động hàng hóa tổ chức gian hàng 0 đồng, bữa ăn cho người lao động khó khăn, bữa ăn cho các y bác sĩ trong các bệnh viện dã chiến... Người “nội tướng” càng giỏi giang, biết tổ chức, sắp xếp, điều chỉnh công việc hợp lý bao nhiêu thì càng tỏ rõ vai trò của mình và làm chỗ dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình.
“Nội tướng” tuy không phải là cấp hàm thực tế, nhưng nó nói lên đẳng cấp, bản lĩnh và dấu ấn của người phụ nữ trong gia đình.