Phụ nữ độc lập nhưng lại thích xài tiền của đàn ông?
(DNTO) - Câu chuyện cô gái với 12 mối tình trong chương trình "Ghép đôi thần tốc" ngay sau khi phát sóng đã gặp nhiều phản ứng của dư luận. Tuy những phát ngôn của cô gái trẻ này chỉ là suy nghĩ của một cá nhân, nhưng lại khiến người ta vỡ lẽ ra nhiều điều đáng quan ngại.
Trong chương trình "Ghép đôi thần tốc" mới đây, 2 cặp trai xinh gái đẹp được sắp xếp ghép đôi, trong đó, ngồi phía ghế xanh là chàng kỹ thuật viên sửa chữa ô tô Trương Văn Quý và nàng nhân viên văn phòng có cái tên rất đẹp Trần Ngọc Đoan Minh (26 tuổi).
Ngay từ đầu Đoan Minh đã gây ấn tượng mạnh với người xem bởi vẻ ngoài cá tính, khá dạn dĩ và hoạt ngôn. Đoan Minh rất tự tin khi khẳng định cô là người độc lập, không phụ thuộc bạn nam. Chỉ đến khi nghe cô đưa ra tiêu chí chọn chồng thì mọi người mới vỡ lẽ nó hoàn toàn trái ngược với những gì cô vừa giới thiệu về tính cách của mình: “Đẹp trai là tiêu chí và em muốn bạn nam chi tiền cho em để mua đồ, đầu tư chứng khoán, bất động sản...”.
Khi nghe chàng trai chia sẻ về hoàn cảnh gia đình: Anh hai mất, phải một mình chăm lo cho ba mẹ, Đoan Minh thẳng thừng: "Em sẽ kiếm bạn trai khác. Tư tưởng của em là khi có chồng sẽ dọn ra ở riêng. Em thích nấu ăn nhưng sẽ không bao giờ nấu cho bạn nam đâu, vì ảnh phải chiều em chứ".
Những phát ngôn kèm theo thái độ không mấy nhã nhặn của cô gái này chỉ là suy nghĩ của một cá nhân nhưng qua đó, liên hệ với tình hình thực tế hiện nay, nó lại khiến người ta vỡ lẽ ra nhiều điều đáng quan ngại.
Trước hết là “trào lưu” thích sống dựa dẫm vào đàn ông trong một bộ phận nữ giới trẻ. Chỉ cần gõ một vài từ khóa liên quan trên Google, lập tức hiện ra vô số những câu đại loại như: “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, “Gặp được người đàn ông tốt, phụ nữ cả đời không cần trưởng thành" hay “Người đàn ông tốt là người đem lại cho bạn cảm giác an toàn”.
Có vẻ như những suy nghĩ này đi ngược lại mục đích của cuộc đấu tranh bình đẳng giới bền bỉ, đầy chông gai của phụ nữ trên toàn thế giới và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Có vẻ như nó đi ngược lại với phẩm chất của người phụ nữ hiện đại và tiêu chí giáo dục được xem là phương châm hiện nay, đó là tính độc lập.
Không giống với cuộc sống bị phụ thuộc của người phụ nữ xưa: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, tính độc lập được xem như phẩm chất xuyên suốt của người phụ nữ hiện đại. Trong đó nổi trội là độc lập tài chính. Tiếc thay, trong khi không ít phụ nữ Việt ngày nay giữ các vị trí cao hoặc rất cao trong xã hội, thậm chí trong bộ máy chính quyền, hay có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ, có người nắm trong tay hàng ngàn tỷ đồng, họ tỏa sáng và hấp dẫn, góp phần khẳng định "đẳng cấp" của người phụ nữ hiện đại… thì có một bộ phận bạn gái trẻ lại mang tư tưởng sống dựa dẫm, ỷ lại, nói cụ thể là thích xài tiền của đàn ông.
Tư tưởng này có liên quan đến một trào lưu khoe giàu và sống ảo đang rầm rộ nổi lên, nhất là đang phát tán trên mạng xã hội. Đây được xem là một loại bệnh, gọi là hội chứng Tall Poppy Syndrome (Hội chứng cây anh túc cao) - một thuật ngữ nổi tiếng chỉ những người thích khoe khoang tiền tài và địa vị xã hội của người New Zealand và Úc.
Thường thấy nhất là có một số người lúc nào cũng khoe khoang cuộc sống quý tộc, đi xe sang đắt tiền, ở căn hộ penthouse, ăn nhà hàng cao cấp, thậm chí có cả du thuyền, máy bay riêng... nhưng lại nợ nần đầm đìa như chúa Chổm. Hay chuyện nữ doanh nhân livestream khoe hột xoàn cả rổ, tài sản đất đai trăm ngàn tỷ, đồng thời phanh phui chuyện đeo hột xoàn giả hoặc mua trả góp của nhiều ngôi sao showbiz… cho thấy trào lưu khoe khoang cuộc sống giàu có, sang chảnh đang phổ biến và trở thành nhu cầu của rất nhiều người.
Nó tạo nên sự nhầm lẫn giữa giá trị và hiện tượng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và xảy ra hiện tượng “giả giàu”, hoặc mong muốn được giàu bằng đồng tiền của người khác. Nó thui chột ý chí phấn đấu, sự độc lập tự chủ, mai một những giá trị sống, giá trị văn hóa của xã hội.
Điều đáng lo ngại là một lớp bạn gái trẻ bị trào lưu khoe giàu lôi cuốn, nôn nóng làm giàu sao cho nhanh chóng. Thay vì chọn lựa con đường khởi nghiệp bằng chính trí tuệ, tài năng và công sức của mình, họ lại chọn con đường ngắn nhất, nhanh nhất, dễ dàng nhất, nó tạo thành tiêu chí chọn chồng của nhiều cô gái, là kiếm một người đàn ông giàu có bất chấp để đánh đổi.
Có điều, rất có thể nếu bạn xem đàn ông như một cây ATM, họ cũng sẽ xem bạn là một công cụ giải tỏa sinh lý. Bằng không họ sẽ không chọn bạn, giống như chàng kỹ thuật viên sửa chữa ô tô Trương Văn Quý thẳng thừng từ chối nàng nhân viên văn phòng có cái tên rất đẹp Trần Ngọc Đoan Minh.