Truyền thống hay hiện đại, phụ nữ vẫn là người xây tổ ấm
(DNTO) - Quan niệm “đàn ông xây nhà - đàn bà xây tổ ấm”, với người Việt chúng ta ngày nay có thể đang được giới trẻ nhìn nhận khác hơn một chút. Nhưng cho dù phụ nữ có xây được nhà, vai trò xây tổ ấm của họ cũng không vì thế mà mất đi.
Từ khi biết tự mình quan sát cuộc sống và nhìn nhận mọi việc xung quanh, cho đến ngày bố mất, đã hơn năm mươi năm, chị Lan chưa lần nào thấy bố chị tặng hoa hay quà cho mẹ chị nhân một ngày nào đó. Nhưng nếu ai đó cần chứng minh rằng trên đời này đã từng có một mối tình vợ chồng keo sơn bền chặt, yêu thương say đắm cho đến giây phút sau cùng khi một người lìa bỏ dương gian, thì chị sẽ tự hào mà chỉ ra đó là bố mẹ chị.
Mẹ chị Lan cả đời chỉ có một nghề thâm niên là nội trợ - nếu nội trợ được gọi là nghề. Một người phụ nữ ít học, không nghề nghiệp chuyên môn, không thuộc hàng “chim sa cá lặn”, không biết thế nào là bình đẳng giới, nhưng bà luôn cho rằng bà là người hạnh phúc nhất thế gian.
Hạnh phúc của bà là mỗi ngày được xách giỏ ra chợ, được chăm sóc cho chồng con từng manh quần tấm áo, giấc ngủ, bữa ăn… Mẹ chị, cả đời chỉ thích vun vén nhà cửa, chăm bẵm chồng con. Bố chị vì thế rất yên tâm ra ngoài làm kiếm tiền mang về.
Thỉnh thoảng mẹ chị về quê mấy ngày, lập tức nhà chị như bãi chiến trường sau một trận đánh, mấy bố con như một đám “tàn quân” nhếch nhác, lôi thôi. Chỉ cần mẹ chị về là đâu lại vào đấy, gọn gàng tươm tất, tràn đầy “niềm tin và hy vọng”. Chưa bao giờ chị Lan nghe mẹ chị phàn nàn, than thở hay đòi “bình đẳng giới”, đòi giải phóng phụ nữ.
Thế hệ của chị Lan có khác. Hồi nhỏ đi học, Lan không có thói quen tị nạnh, nhờ vả bạn trai bất cứ việc gì trước khi mình đã cố gắng hết sức. Sau này lập gia đình, với chồng, khi ra ngoài chị không dựa dẫm, lúc ở nhà chị không tị nạnh.
Vì thế, chị tự mình làm tất cả mọi việc từ sơn tường, sửa chữa bàn ghế hư, vòi nước bị rỉ, cái cầu chì bị đứt… Đi đâu chị tự lái xe - trước là xe máy sau này là ô tô - chứ không trông cậy sự đưa đón. Tuy vậy, chị Lan không bao giờ thấy mình “bất hạnh” hay “kém may mắn”. Trái lại, chị thật sự hạnh phúc khi được tự chủ trong công việc và cuộc sống.
Cả hai vợ chồng chị đều là doanh nhân. Cùng là đồng nghiệp với chồng, chị Lan có nhiều đóng góp chuyên môn thiết thực, hỗ trợ anh trong công việc. Vì những đóng góp “có chất lượng” của chị nên có vấn đề gì anh cũng hỏi ý kiến chị để cùng bàn bạc.
Có thể nói chị Lan là típ phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ, năng động. Ra ngoài chị kiếm tiền thậm chí nhiều hơn chồng. Nhưng khi trở về nhà chị vẫn đóng “vai chính” trong gian bếp, nấu những món ăn ngon mỗi ngày cho chồng con, vẫn vun vén căn nhà nhỏ của mình luôn rộn rã tiếng cười. Chưa bao giờ chị thấy cần anh tặng hoa hay quà bất cứ ngày nào trong năm, cũng không việc gì phải đòi bình đẳng giới, đòi giải phóng phụ nữ. Với chị, vậy là đã đầy hạnh phúc.
Ngày Gia đình Việt Nam, bàn về vai trò của người phụ nữ qua hai thế hệ trong một gia đình, để thấy rằng dù truyền thống hay hiện đại thì người phụ nữ trong gia đình Việt Nam vẫn đóng vai trò giữ lửa cho căn nhà mỗi ngày thêm ấm áp.