Đừng để thói quen dựa dẫm, ỷ lại trở thành một 'đại dịch'
(DNTO) - Cứ mỗi khi gặp phải chuyện khó khăn hoặc sự cố trong cuộc sống, việc đầu tiên là nghĩ đến và sau đó tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác, đó chính là những người mang tâm lý và thói quen dựa dẫm, ỷ lại.
Trong các gia đình Việt Nam hiện nay, tình trạng nâng niu và nuông chiều con cái quá mức là một thực tế không thể chối cãi.Quen thuộc nhất là hình ảnh các cháu bé đã bước vào cấp một vẫn còn được đút cơm, những cô cậu học sinh cấp ba thậm chí sinh viên đại học vẫn còn được bố mẹ đưa đón đi học mỗi ngày.
Chị tôi, tạng người nhỏ thó gầy nhom, ngày nào cũng mấy bận chở cậu con trai tướng tá to đùng xấp xỉ bằng hai lần mẹ, đến trường cấp ba cách nhà non cây số. Có lần bắt gặp chị trong cơn mưa tầm tã, tay lái cứ loạng quạng, xót quá, tôi góp ý, chị bảo: Phải đến 18 tuổi cháu thi bằng lái xong thì mới một mình chạy xe được chứ. Chị nói chí phải. Nhưng nhà cách trường có mấy cái ngã tư, sao không cho cháu đi bộ như là một hình thức vận động cơ thể trong khi cháu thừa cân nặng, hoặc tập cho cháu chạy xe đạp hay đi xe buýt, cùng lắm là sắm cho cháu chiếc xe đạp điện hoặc một xe máy 50 phân khối. Đến đây thì chị tôi ngắc ngứ không trả lời được.
Nhiều cha mẹ yêu con, theo cái kiểu “nâng như trứng, hứng như hoa”, sợ con trầy xước, vấp ngã, thất bại, tổn thương… mà không biết rằng chính những thứ đó là nhân tố giúp cho một đứa trẻ lớn lên, trưởng thành, cứng cáp. Nhiều cha mẹ bao bọc con trong đôi cánh của mình bất kể là con bao lớn. Họ quyết định thay cho con từ những việc nhỏ như mặc bộ đồ nào, ăn món gì, uống sữa gì, chơi đồ chơi gì, chơi với bạn nào… cho đến các việc lớn hơn như học trường nào, ngành nào… Nhiệm vụ của đứa trẻ là chỉ cần ngoan ngoãn làm theo để được đánh giá là “con ngoan, trò giỏi”.
Còn nhớ trong một chương trình mang tên “Đối mặt cảm xúc” phát trên đài truyền hình cách đây không lâu, trong câu chuyện của mình, nhân vật đã thố lộ anh vẫn bị mẹ bắt ngủ chung mặc dù đã là một chàng trai 30 tuổi.
Đó chỉ là một chi tiết điển hình nổi lên trong nhiều sự kiện xảy ra giữa anh và mẹ xuất phát từ “tình yêu thương bao la” của bà dành cho con. Mẹ quyết định tất cả và bắt anh phải nghe theo, làm theo kể cả việc quen bạn gái… Đó là những gì nhân vật muốn mượn chương trình để bày tỏ và mong mẹ mình thay đổi.
Trong thực tế, rất ít người dám bày tỏ và phản kháng như nhân vật trên đây. Hầu hết, những đứa con được bao bọc kiểu này sẽ bị “bức tử” ý chí, làm triệt tiêu tính độc lập, làm cùn mằn tư duy và hơn hết là hình thành thói dựa dẫm và ỷ lại.
Cha mẹ lo tất có nghĩa là nếu có vấn đề gì xảy ra, cha mẹ sẽ là người gánh vác, bản thân con không chịu trách nhiệm gì cả. Vậy thì tội gì mà con có “ý kiến, ý cò” làm chi”. Căn bệnh lười biếng, sống dựa, sống bám, ỷ lại hình thành từ đây.
Những lúc gặp khó khăn hay nghịch cảnh, những người quen sống dựa dẫm, ỷ lại sẽ luôn chờ đợi sự giúp đỡ và nguồn tài chính từ người khác. Thậm chí bám víu một cách “ngu ngơ” vào vận may ở một đấng siêu nhiên nào đó.
Tất nhiên, không thể phủ nhận, sự tương trợ giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là một đạo lý cần được coi trọng. Nó là niềm an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vượt qua khó khăn nhất thời và củng cố thêm niềm tin trong cuộc sống. Nhưng nếu vượt quá giới hạn, nó sẽ tạo thành thói quen ỷ lại. Xem sự nương nhờ, dựa dẫm là tiêu chí trong cuộc sống, khi gặp khó khăn, nhiều người cảm thấy chới với và bất an. Họ tức tối, hằn học với người mà họ cho rằng đáng lẽ phải giúp đỡ họ.
Cô cháu họ tôi trước đây có một nguồn thu nhập định kỳ hằng tháng do chị nó hỗ trợ gửi về từ nước ngoài. Mới đây, do tình hình dịch bệnh, làm ăn khó khăn, giá cả nông sản bấp bênh, cô em ngỏ ý xin bà chị thêm một một số hỗ trợ ngoài thông lệ. Không được như ý, cô em lu loa, hằn học, bêu riếu, trách móc chị mình. Trong khi đáng lý ra, cô em phải biết tình hình dịch bệnh ở nước ngoài còn nghiêm trọng hơn nhiều, thu nhập của người chị hầu như tổn thất hơn phân nửa.
Thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào sự giúp sức từ người khác khiến cô em quên mất rằng, mình phải tự đi trên đôi chân của chính mình mới có thể bước đi vững chắc. Gặp phải vấn đề khó khăn là nghĩ ngay đến người khác, cầu cứu sự giúp đỡ của người khác, tâm lý này bắt nguồn từ sự lười biếng, dựa dẫm, ỷ lại. Đó là một thói quen xấu.
Bởi vậy, nếu bạn bao bọc con thái quá, không cho chúng cơ hội độc lập tư duy, tự chủ hành động, không cho con cơ hội bộc lộ hết tiềm năng của bản thân, thì không có nghĩa là bạn yêu con mà là bạn đang hình thành cho con thói quen dựa dẫm, ỷ lại. Liệu cha mẹ sẽ đi bên cạnh con đến bao giờ, khi ai rồi cũng phải “theo ông theo bà”. Đừng để con mình sống cuộc đời của một thứ dây tầm gửi; đừng để thói quen dựa dẫm ỷ lại của con người trở thành một “đại dịch” mới trong xã hội.