Gia đình: Điểm tựa, nơi 'nương náu' cuối cùng của đời người
(DNTO) - Chọn cuộc sống độc thân hay lập gia đình là tùy theo lựa chọn của mỗi người. Bất kể lựa chọn đó là gì, mục đích cuối cùng của con người vẫn là mưu cầu hạnh phúc.
Xu hướng tôn thờ chủ nghĩa độc thân
Theo từ điển Tiếng Việt, độc thân và đơn thân đồng nghĩa với nhau, nhưng dân gian quen dùng “đơn thân” như cách biểu đạt thu gọn cho cụm từ “cha/ mẹ đơn thân”, tức là những ông bố, bà mẹ nuôi con một mình.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến lối sống độc thân, tức là không lập gia đình, một xu hướng đang thịnh hành, rất hấp dẫn giới trẻ hiện nay.
Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, hiện trên thế giới có hơn 300 triệu người sống một mình, tăng 80% so với 15 năm trước.
Nguyên nhân chủ quan của họ là do yêu thích cuộc sống tự do, không ràng buộc trách nhiệm trong hôn nhân; do không muốn thay đổi bản thân và sợ bị đối phương chi phối sở thích, đam mê của mình.
Còn nguyên nhân khách quan được nhiều nhà xã hội học đưa ra là do: Tình hình xã hội phát triển; sự độc lập về kinh tế, nhất là ở các chị em phụ nữ; cái nhìn cởi mở về trinh tiết trong quan hệ tình dục; các chế độ phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn, các giải pháp cho tuổi già ngày càng khả thi hơn như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, căn hộ chung cư trả góp, các mô hình viện dưỡng lão, hiến xác sau khi qua đời… khiến cho nỗi lo tuổi già không ai cậy nhờ không còn là áp lực nặng nề nữa.
Cũng phải kể thêm, thực trạng xã hội trước mắt cũng góp phần làm cho giới trẻ hoài nghi và mất niềm tin vào cuộc sống hôn nhân: Mâu thuẫn, áp đặt, quản thúc, ngoại tình, phản bội… dẫn đến thúc đẩy giới trẻ ngày nay lựa chọn cuộc sống độc thân. Họ coi đây là lối sống phù hợp với xã hội đương đại.
Giá trị thiêng liêng của gia đình
Tuy nhiên, trào lưu sống độc thân tăng nhanh đang là nỗi lo lắng, trăn trở dưới góc nhìn của các nhà dân số học. Nó là một áp lực đè nặng lên các nước phát triển, bởi nguồn nhân lực trẻ ngày càng hạn chế do tình trạng dân số đang già đi. Nói gia đình là nền tảng của xã hội thì xã hội sẽ thật sự bị lung lay khi cái nền tảng ấy ngày càng “suy yếu”.
Tuy nhiên, đó là những nhận định mang tính chất xã hội học của các nhà nghiên cứu. Còn với cái nhìn nhân văn, gia đình cho tới nay vẫn có giá trị thiêng liêng mà không ai có thể chối bỏ.
“Con cái yên bề gia thất” là một nguyện vọng lớn lao mà bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng muốn được nhìn thấy trước khi họ từ giã cõi đời. Bởi quan niệm dân gian “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là thước đo đánh giá sự thành công và trưởng thành của người đàn ông. Ông bà ta có cái lý của họ và đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Vì sao bố mẹ nào cũng lo lắng, không yên tâm khi tuổi già ập đến mà con cái vẫn chưa lập gia đình. Bởi họ đinh ninh rằng khi họ mất đi, khi không còn bố mẹ bên cạnh, chỉ có gia đình nhỏ của con mới là điểm tựa an toàn nhất cho con trong cuộc đời đầy bất trắc. Chính vì có gia đình, có con cái để kế thừa, có trách nhiệm phải lo, người ta mới có động lực thúc đẩy để làm việc. Vậy nên người miền Tây mới có câu: “Cưới vợ mần ăn”.
Riêng với giới doanh nhân, nhờ có gia đình động viên, hỗ trợ và nâng đỡ, họ sẽ hết sức phấn đấu, để mang lại nhiều thành công rực rỡ. Nhiều doanh nhân thành đạt đã xác tín về điều này.
Anh Thuận Hải, chủ một doanh nghiệp có tiếng về ngành thủ công mỹ nghệ từ dừa ở một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ: "Thấy tôi luôn bận rộn khách khứa, hàng họ, nhân viên… ít ai biết tôi thật sự rất cô đơn. Tôi thường xuyên phải làm việc một mình, đối mặt với khó khăn và những quyết định may rủi…
May mắn, tôi có một người đồng hành hiểu và chia sẻ. Chỉ khi trở về nhà, ở bên cạnh vợ con, tôi mới thật là mình, không phải sắm vai ông chủ, không phải nói lời thảo mai, không phải tạo cho mình một vỏ bọc nào cả.
Được trở về nhà sau những giờ làm việc căng thẳng, nghe tiếng cười của con trẻ, được ngồi ăn cơm với vợ, nghe cô ấy kể chuyện vui vẻ, chính là lúc tôi được tiếp thêm sức mạnh cho những thách thức của công việc kinh doanh phía trước".
Khác với khi chưa có gia đình, anh Hải xác định rõ ràng mục tiêu và động lực làm việc, biết cách phân bổ thời gian hợp lý cho công việc và cuộc sống cá nhân để vừa làm việc hiệu quả, vừa đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Anh cũng không còn sa đà vào những buổi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, vì thế sức khỏe tốt lên rõ rệt. Thời gian anh dành cho gia đình, vui chơi với con chính là thời gian thư giãn tuyệt vời nhất. Vì có gia đình, có con cái mà anh luôn ý thức rèn luyện để trở thành một hình mẫu tốt cho con cái noi theo, khiến cho con anh có thể tự hào về bố mình. Đây là động cơ lớn nhất để anh quyết tâm đưa doanh nghiệp của mình ngày càng phát triển, có tiếng tăm trên thương trường.
“Gia đình chính là điểm tựa của mỗi con người trước những bão táp cuộc đời. Và hạnh phúc với doanh nhân là có một gia đình bình yên” - anh Hải bày tỏ.
Thực tế, không chỉ anh Thuận Hải mà rất nhiều doanh nhân thành đạt có cuộc sống gia đình hạnh phúc viên mãn.
Tất nhiên, một bộ phận người trẻ hiện nay cho rằng họ cần sự độc lập, không bị bó buộc bởi nền tảng gia đình truyền thống và chọn cuộc sống độc thân; họ có cái lý của mình và hoàn toàn được tôn trọng.
Nhưng khi hiện nay, xã hội phương Tây cũng đang dần nhận ra và tìm về những giá trị gia đình truyền thống của phương Đông thì gia đình vẫn không mất đi giá trị thiêng liêng của nó, mãi mãi là nơi nương tựa vững chắc của con người.