Giá thực phẩm tươi sống 'rục rịch' tăng nhẹ dịp cận Tết
(DNTO) - Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là Tết Nguyên đán 2022, cùng với sức mua trên thị trường đang nhích lên từng ngày, thì nhiều mặt hàng thực phẩm cũng rục rịch tăng giá, song dự kiến khó biến động mạnh do nguồn cung trong nước cũng như nguồn nhập khẩu đều giữ ở mức cao.
Còn khoảng một tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuy nhiên nhiều mặt hàng đã tăng giá. Đặc biệt, thực phẩm tươi sống đã rục rịch tăng do nhu cầu tiêu dùng lên cao.
Ghi nhận của Phóng viên Doanh Nhân Trẻ, tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt lợn đang biến động từng ngày và được dự báo sẽ tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán.
Cụ thể, sáng 26/1, tại chợ Phúc Lợi, huyện Long Biên, Hà Nội, thịt heo tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, sườn non từ 155.000 đồng/kg tăng lên 165.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn tăng thêm 10.000 đồng với giá 170.000 – 180.000 đồng/kg, nạc dăm từ 130.000 đồng/kg lên thành 140.000 đồng/kg.
Tương tự, đối với mặt hàng thịt bò, giá cả cũng nhích lên khá cao. Thịt bò thăn, phi lê, ba rọi,... đều tăng 10.000 – 15.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng tôm tươi, giá đã tăng mạnh hơn hẳn so với trước. Đơn cử, tôm thẻ loại nhỏ bình thường chỉ ở mức 120.000 đồng/kg nay có giá 160.000 đồng/kg, tôm thẻ loại lớn 180.000 đồng/kg đã lập giá mới với 220.000 đồng/kg.
Cùng với đó, giá gà ta cũng đang bắt đầu rục rịch tăng và đang ở mức 130.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 2 tuần.
Giống mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá cả một số loại trái cây cũng tăng theo Tết. Bưởi da xanh, xoài, dưa hấu,... cùng tăng 15.000 – 25.000 đồng/kg, tùy loại...
Lý giải nguyên nhân thực phẩm tươi sống tăng giá những ngày cận Tết, các tiểu thương chợ Phúc Lợi (TP Hà Nội) cho rằng, giá lợn hơi tăng trở lại do lượng lợn hơi xuất bán tại nhiều nơi giảm so với trước và nhu cầu tiêu thụ lợn hơi và thịt lợn đang tăng.
Ðặc biệt, thời điểm cận Tết Nguyên đán 2022, nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến thực phẩm tăng cường thu mua lợn để chế biến các sản phẩm phục vụ thị trường Tết. Thương lái đang đặt hàng thu mua lợn trong dân để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường, dự báo mặt bằng giá cả sẽ tiếp tục nhích dần lên trong những ngày tới.
Liên quan đến giá lợn hơi, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, việc giá lợn hơi tăng lên 57.000 – 60.000 đồng/kg là điều tất yếu. Bởi, thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, giá thịt lợn sẽ tăng để phục vụ cho thực phẩm chế biến. Bên cạnh đó, việc các hàng quán trên cả nước mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội cũng khiến nhu cầu tiêu dùng tăng lên, điều đó cũng khiến giá lợn tăng theo.
"Đây là mức tăng không lớn và dự kiến từ giờ đến Tết Nhâm dần 2022, giá thịt lợn cũng sẽ nhích lên nhưng không biến động quá nhiều. Giá lợn tăng trở lại giúp người nuôi lợn có thể giảm lỗ trong thời gian tới,", ông Long khẳng định.
Giá cả hàng hóa tăng nhưng không có biến động lớn
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cho rằng, nguyên nhân khiến thực phẩm tăng giá dịp tết là do người tiêu dùng có tâm lý tích trữ hàng hóa, lo sợ nguồn hàng sẽ không đủ cung ứng cho thị trường. Cùng với đó, thời gian qua, do các chi phí đầu vào tăng (thức ăn, các loại thuốc phòng dịch, chi phí vận chuyển...), cùng với việc nhu cầu thịt lợn giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán tăng, nên giá lợn thịt và thịt lợn trong nước có xu hướng tăng theo.
Tuy nhiên, với thực tiễn hiện tại, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, thói quen, phong tục ăn Tết có sự thay đổi, giá cả hàng hóa trong những ngày tới dù được dự báo tăng cũng sẽ không có nhiều biến động, do cung cầu cơ bản vẫn được bảo đảm.
"Hàng hóa tại các siêu thị, hàng tạp hóa rất nhiều, do đó, giá cả sẽ không thể tăng nhiều. Thậm chí, để kích sức mua dịp cuối năm, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đang có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, sẽ góp phần giữ mặt bằng giá hàng hóa không có biến động lớn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhìn nhận vào câu chuyện lương thưởng Tết năm nay không cao. Do đó, dù nhu cầu cao nhưng khả năng thanh toán thấp dẫn tới thị trường sẽ không quá "nóng", ông Phú nhận định.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., dịp Tết cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán đúng giá niêm yết đối với nhiều mặt hàng thiết yếu, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán.
"Nếu được sự quan tâm của các ngành các cấp và sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người tiêu dùng với các doanh nghiệp làm ăn tử tế, chân chính, chắc chắn công tác phục vụ Tết sắp tới với mục tiêu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Mọi gia đình Việt Nam đều có Tết", ông Phú cho hay.