Thiếu cái bắt tay giữa nông dân và doanh nghiệp khiến 'đường ra' cho hàng Việt nhiều gian nan
(DNTO) - Hiện nay, việc liên kết người dân, và các doanh nghiệp tại địa phương còn nhiều nút thắt nên chưa hình thành được nhiều chuỗi và chưa nâng cao được giá trị nông sản. Và mọi sự thất bại hay thành công nửa vời, mấu chốt đều do thiếu tính kết nối một cách chuyên nghiệp.
Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch hơn một tỷ USD mỗi năm nhưng chính người nông dân Việt Nam lại luôn phải thường trực nỗi lo về sự bấp bênh của đầu ra cho nông sản.
Nhìn lại kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng qua, rõ ràng những thành tựu là vô cùng lạc quan khi tăng gần 14% so với cùng kỳ, song để bám đuổi mục tiêu cán đích 50 tỷ USD, vẫn đang là bài toán đầy thách thức với ngành nông nghiệp.
Nhiều rào cản khiến xuất khẩu đối mặt với không ít khó khăn, trong đó sự phối hợp lỏng lẻo, không tìm được tiếng nói chung giữa nông dân và doanh nghiệp được nhìn nhận vô cùng quan trọng.
Chúng ta nói rất nhiều đến mối liên kết "3 nhà", "4 nhà" rồi "6 nhà", nhưng chưa trả lời tại sao tất cả liên kết không thành công? Mấu chốt nằm ở chỗ giữa nông dân và doanh nghiệp đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì doanh nghiệp bẻ kèo.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, nông dân ngày xưa “đèn nhà ai nấy sáng, đất nhà ai nấy làm”, sống một mình, làm cũng một mình. Bởi vậy, dẫn đến một lời nguyền về một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Muốn vượt qua lời nguyền đó, phải mở rộng quy mô sản xuất. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác với nhau. Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.
Nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu", Bộ trưởng nhận định.
Nêu quan điểm, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, nhận định, không có con đường nào khác, tư duy bà con phải thay đổi, phải có trách nhiệm với người tiêu dùng và trách nhiệm với chính bản thân mình.
"Thực tế, suốt một thời gian dài thị trường Trung Quốc quá thuận lợi đã khiến người nông dân chúng ta ỷ lại. Chính vì vậy khi Trung Quốc có những chế tài kiểm soát, trở thành thị trường khó tính, có nhiều người kêu nhưng tôi lại thấy rất mừng. Là vì tôi nhận thấy tư duy về thị trường chính là điểm nghẽn, là yếu tố quyết định chuỗi liên kết trong nông nghiệp của chúng ta có phát triển được hay không
Cần phải hiểu thị trường Trung Quốc thay đổi sẽ là thời cơ để chúng ta áp dụng những chế tài kiểm soát, đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông sản Việt Nam. Từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân và những đối tượng tham gia chuỗi liên kết phải cùng vào cuộc để đặt ra tiêu chí, định vị sản phẩm nông sản của chúng ta ở những thị trường nào, bán cho ai, bán bao nhiêu…?", CEO Chánh Thu đặt vấn đề.
Chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân, bà Thu cho hay: Chúng tôi thuyết phục người nông dân, hợp tác xã bằng những bài học về giải cứu nông sản, sản phẩm làm ra không biết bán cho ai để từ đó xây dựng niềm tin cho họ. Tôi nói với bà con, lựa chọn lợi ích trước mắt hay bền vững là do bà con quyết định.
"Để đồng hành bền vững với người nông dân, chiến lược phát triển của Chánh Thu đang làm là sẽ không thu mua theo thị trường như trước đây nữa mà sẽ mua sản phẩm của người nông dân, của các hợp tác xã với giá cố định. Trong vòng năm năm, mười năm và dài hạn hơn nữa để có thể tạo sự ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Đây là điều tôi ấp ủ nhiều năm và đương nhiên câu chuyện này không chỉ riêng Chánh Thu làm được. Chúng tôi cần sự hợp tác từ các doanh nghiệp, đối tác hỗ trợ ở rất nhiều công đoạn. Từ quản lý vùng nguyên liệu, cung cấp vật tư nông nghiệp, từ đội ngũ thương lái, các hợp tác xã, để cùng nhau chia việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng để tạo thành chuỗi liên kết thực sự bền vững", bà Thu cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Johan Van Den Ban, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam (chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi) nói, lòng tin là rất quan trọng trong chuỗi liên kết hợp tác, đã nói là phải làm. De Heus đang tham gia chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gà tại Đông Nam Bộ. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, giá gà trên thị trường chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá ký cam kết thu mua của De Heus với người chăn nuôi là 19.000 đồng/kg.
"Nếu thu mua gà cho bà con với giá như cam kết thì chúng tôi lỗ nặng. Nhưng chúng tôi vẫn thu mua gà lông cho bà con như với giá như cam kết", ông Johan Van Den Ban nói và cho biết nhờ giữ lòng tin với nhau mà ở châu Âu đã có rất nhiều Hợp tác xã thành công, ví dụ Tập đoàn Topigs Norsvin - doanh nghiệp hàng đầu cung cấp giống heo hậu bị của Hà Lan.
Để "cuộc chơi" giữa 2 nhà đi vào thực chất?
Tuy nhiên, để tăng sức mạnh cho chuỗi liên kết, câu hỏi đặt ra ở đây là nhà nước sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy sự liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp trong thời gian tới, tạo ra nhiều mô hình thực chất hơn?”
Để mỗi doanh nghiệp, một tập đoàn đủ lớn có thể đại diện cho Việt Nam, có thể đa dạng hóa rất nhiều sản phẩm, có thể tự tin giới thiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam trên các chuỗi hệ thống mang tầm quốc tế. Điều này, đòi hỏi Chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, và chuyên nghiệp.
Có thể nói rằng người Thái đã đi trước chúng ta và đã thành công khi xây dựng các chính sách và bám sát vào luật để tạo ra những tiêu chuẩn nhất quán. Họ biết cách lay động người nông dân, doanh nghiệp bằng câu chuyện về giá trị thương hiệu của quốc gia. Khi có được điều đó, người Thái đã xây dựng nên một bộ luật mà tất cả những người tham gia trong chuỗi liên kết, từ nông dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đều có trách nhiệm, bổn phận được quy định rất rõ ràng.
Đơn cử, trong hai năm vừa qua người Thái đã mạnh mẽ xây dựng hệ thống chính sách pháp luật, đội ngũ quản lý về chất lượng nông sản, đặc biệt là đối với trái sầu riêng. Họ có quy định, người nông dân Thái Lan nếu cắt một quả sầu riêng xuống khi chưa đủ thời gian quy định sẽ bị phạt, thậm chí nếu vi phạm nhiều lần còn có thể bị phạt tù. Từ chính sách này, giá trị của sầu riêng Thái Lan tăng trưởng lên 20-30% khi đã khẳng định được thương hiệu.
Đây là bài học mà Việt Nam cũng nên bắt tay thực hiện ngay. Chính sách, quy hoạch, tổ chức sản xuất thế nào, sản phẩm có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng không và phù hợp với những thị trường nào... Cần phải có những đầu bài, mục tiêu, chiến lược thực tế, và sự chỉ đạo nhất quán, kiên quyết từ bộ máy nhà nước để cùng nhau xây dựng sản phẩm thương hiệu quốc gia, để giá trị “make in Việt Nam” sẽ khác và người hưởng lợi là tất cả chúng ta.
Muốn vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải có sự phân vai rõ, Bộ NN&PTNT sẽ là đơn vị cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất và cung cấp sản phẩm để Bộ Công Thương đi bán hàng, Bộ Ngoại giao thu thập thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật công nghệ mới, đặc biệt đối với công nghệ chế biến sâu... Khi đã phân vai rõ ràng như vậy thì việc phối hợp nhau cũng sẽ bớt nhọc nhằn.