Giá cả vật tư đầu vào tăng chóng mặt, nông dân 'gồng mình' gánh lỗ
(DNTO) - Hiện giá thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô tăng khoảng 20%, cám mì tăng 32,8%, phân bón tăng 30%... Dự báo giá cả những mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng nóng trong những ngày tới, nông dân đứng ngồi không yên, chật vật xoay sở khi thị trường tiêu thụ bấp bênh.
Hiện nay, khó khăn trong tiêu thụ vẫn chưa được tháo gỡ, người chăn nuôi lại chồng chất thêm rủi ro khi giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục "ăn mòn" lợi nhuận và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cụ thể, chỉ tính riêng trung tuần tháng 3, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới tiếp tục tăng cao so với cuối năm 2021: Giá dầu đậu nành tăng khoảng 22%, cám mì tăng 32,8%, ngô tăng khoảng 20%, đậu nành tăng khoảng 21%... Đây là lần thứ 10 liên tiếp từ cuối năm 2020, các sản phẩm này tăng giá.
Trước tình hình giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao, một loạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thông báo điều chỉnh tăng giá bán.
Mới đây, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi 300 đồng/kg. Tiếp đó, Công ty TNHH De Heus cũng thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà, tăng 240 đồng/kg thức ăn chăn nuôi dành cho lợn con và gia cầm đẻ...
Không chỉ riêng thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã', ghi nhận tại nhiều đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hiện giá phân bón đã tăng hơn 20% và theo dự báo thời gian tới có thể sẽ còn tiếp tục đà tăng mạnh.
Theo cách tính của nhiều hộ, chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn, giá thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc phòng, chống dịch bệnh liên tục "đội giá" như hiện nay đã đẩy giá thành sản xuất lên mức 55 ngàn đồng/kg lợn hơi, trong khi giá bán thấp hơn, vì vậy nhiều tháng nay, người chăn nuôi đang phải “gồng mình” chịu lỗ. Nhiều hộ đã buộc phải giảm đàn vì càng nuôi càng lỗ.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho rằng: Phần lớn các doanh nghiệp phải nhập khẩu tới trên 90% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi thành phẩm, nên giá nguyên liệu trên thế giới tăng đã tác động trực tiếp tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước. Cùng với đó, giá các loại phân bón, vật tư nông nghiệp khác như kháng sinh cho gia súc, gia cầm, chế phẩm sinh học đều tăng giá gây khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Đồng thời, dư chấn từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina đã khiến giá các nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như lúa mì, ngô, đậu tương... và giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón trên thế giới tăng mạnh (do Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới), ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán các sản phẩm này trong nước.
"Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng quá cao đã ăn sâu vào phần lãi của người chăn nuôi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đang bị giảm lợi nhuận. Chính vì vậy, dẫn tới việc lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi chỉ bằng 50% so với thời điểm cùng kỳ năm 2021", ông Phú nhận định.
Đưa giải pháp, ông Phú cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nhập khẩu. Cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất; quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
Nêu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho hay, Bộ đang xây dựng "Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn", sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi. Như vậy, chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.
"Khuyến khích nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất theo hướng hữu cơ, có liên kết, tiêu thụ sản phẩm; Phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn nhằm đảm bảo môi trường và phát triển bền vững, giảm chi phí đầu vào, giúp các hộ duy trì sản xuất", ông Tiến nhấn mạnh.