Giá thức ăn chăn nuôi đua nhau 'lập đỉnh', nông dân lo ngại hết lãi
(DNTO) - Hiện nay, sau nhiều ngày giảm, giá heo hơi ở hầu khắp các vùng miền có xu hướng đi ngang, duy trì trong khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg, nhưng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tạo sức ép khiến các doanh nghiệp nội địa lo lắng vì nguy cơ lỗ.
Trong khi giá heo, gà sau Tết Nguyên đán vẫn ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chậm thì nhiều công ty thức ăn chăn nuôi đã công bố giá bán mới với mức điều chỉnh tăng từ 200 - 300 đồng/kg.
Trong bối cảnh giá lợn, gà vẫn ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chậm, việc các doanh nghiệp đồng loạt thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi khiến nhiều người nuôi lo lắng vì nguy cơ lỗ.
Theo ghi nhận, các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi của hàng loạt nhãn hàng vừa đồng loạt nhận được thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm theo hướng tăng khoảng 200-350 đồng/kg, tuỳ sản phẩm và nhãn hàng.
Đơn cử, Công ty CP MMS Feed (hệ thống nhà máy Proconco & Anco) thông báo đến khách hàng điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi thương mại vào ngày 16/2. Theo đó, thức ăn nuôi heo và gà thịt của công ty này báo tăng thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và heo con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg.
Hôm nay, 18/2, Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng gửi thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi cho tất cả các dòng sản phẩm của công ty lên 300 đồng/kg. Lý do Công ty CJ Vina Agri đưa ra là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động, việc tăng giá này nhằm "ổn định chất lượng sản phẩm".
Hay như Công ty TNHH Liên doanh Mavin Austfeed vừa có thông báo, từ ngày 21/2, sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm của đơn vị này sẽ tăng từ 250-300 đồng/kg. Trong đó, sản phẩm đậm đặc áp dụng mức tăng 300 đồng/kg và tăng 250 đồng/kg đối với các sản phẩm còn lại...
Như vậy, với mức tăng trên, giá thức ăn chăn nuôi heo tăng 7.500 đồng/bao 25kg. Điều này sẽ tiếp tục đẩy người chăn nuôi rơi vào cảnh khó khăn vì sản xuất không có lãi.
Đại diện các nông hộ cho hay, để nuôi một con heo đến khi xuất chuồng phải tiêu thụ hết 10 bao thức ăn loại 25kg, trong đó, có 1 bao loại dành cho heo con và 9 bao loại dành cho heo thịt: “Riêng tiền thức ăn, nông dân phải bỏ ra 3,42 - 3,62 triệu đồng để nuôi một con heo đến khi xuất chuồng. Đó là chưa kể tiền con giống khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/con, thuốc thú y, nhân công chăm sóc, điện, nước… Sau khi cân đối giữa đầu vào (giá thức ăn) và đầu ra (giá bán heo thịt) như thực tế hiện nay thì người chăn nuôi rất khó để có lãi".
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, mặc dù có rất nhiều nỗ lực để kích cầu, nhưng giá lợn hơi trên cả nước đã không thể chọc thủng "trần" 55.000 đồng/kg mà các thương nhân kỳ vọng "cầu" tiêu dùng cuối năm tăng sẽ "làm ấm" thị trường, tạo đà đưa giá heo lập mặt bằng mới trong năm 2022.
“Trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp được điều chỉnh tăng, nhưng giá heo hơi không bứt nổi khỏi điểm hòa vốn, người nuôi hầu như không có lãi. Giá heo hơi thấp, nếu chủ động được con giống thì người nuôi có lãi. Tuy nhiên, các gia trại nhỏ hoặc hộ chăn nuôi gia đình nuôi ít, phải mua con giống thì chắc chắn thua lỗ nặng. Thị trường kém sôi động, giá thấp, dịch bệnh phức tạp... là những yếu tố khiến người dân thận trọng không dám tăng đàn hoặc tái đàn”, ông Trọng nhận định.
Điều này trái với kỳ vọng của người chăn nuôi sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, kể từ ngày 30/12/2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN - một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.
Ông Trọng cho rằng nếu ở điều kiện bình thường, giá thức ăn hỗn hợp sẽ ổn định hoặc giảm xuống sau khi giảm thuế giá nguyên liệu khoảng 1-2 tháng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu cũng tăng phi mã, khiến chi phí vận chuyển, logistics đẩy giá nguyên liệu tăng theo.
"Trước cơn bão giá thức ăn chăn nuôi năm 2021, Quốc hội, Chính phủ thông qua việc giảm thuế nguyên liệu nhưng chỉ có thể đỡ cho doanh nghiệp phần nào. Còn Việt Nam phụ thuộc 90% nguyên liệu của thế giới nên giá cả sẽ biến động theo xu hướng chung. Các doanh nghiệp vẫn đang tích trữ và giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp có thể sẽ tiếp tục tăng", ông Trọng phân tích.
"Trước đây và bây giờ, tôi vẫn khuyến cáo cần chăn nuôi theo chuỗi, liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để giảm giá thành sản xuất, tăng cơ hội đầu ra. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị để nâng cao hiệu quả sử thức ăn chăn nuôi", ông Trọng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, trước mắt để kìm giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo…) để có thể thay thế một phần nguồn nhập khẩu; thực hiện cân đối khẩu phần ăn tối ưu nhất để tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước cũng như tiết kiệm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.