Tìm 'hướng đi' cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi bứt phá
(DNTO) - Dịch bệnh và ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine kéo theo chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi tăng phi mã khiến nhiều cơ sở đối diện nguy cơ "treo chuồng". Bài toán về thị trường xuất khẩu với ngành chăn nuôi đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.
Giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng "phi mã" từ cuối năm 2021 đến nay là gánh nặng lớn nhất với ngành chăn nuôi. Đặc biệt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng khiến giá nguyên liệu các mặt hàng liên quan đến chăn nuôi tăng cao, khiến nhiều cơ sở chăn nuôi không dám tái đàn.
Cùng với đó, quá trình phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của vẫn chưa gắn với công nghiệp chế biến toàn diện, chưa hình thành được chuỗi dự án chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến. Các doanh nghiệp chăn nuôi chưa có chiến lược phát triển hướng tới xuất khẩu, các trang trại chăn nuôi chưa được tổ chức sản xuất bài bản, khoa học, thiếu đồng nhất, ổn định...
Cùng với đó, quá trình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi “vướng” phải các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn dịch bệnh, nên phải tạm dừng hoặc bị đánh thuế chống bán phá giá, mất thị trường…
Trước những tác động tiêu cực trên, tìm "lối ra" cho xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật đang là bài toán thách thức lớn của ngành chăn nuôi.
Phát biểu tại "Hội nghị thúc đấy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật", ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nhận định, tăng giá là bài toán vô cùng khó khăn trong thời gian tới không chỉ ở một tỉnh, một vùng, một quốc gia mà nó lan rộng ra toàn cầu như một xu thế tất yếu. Bài toán thích ứng với xu hướng trên là tiết kiệm, rút ngắn quy trình… bằng giải pháp số hóa kết hợp sự năng động, sáng tạo, nhạy bén trong đều hành, quản trị nhằm đẩy lùi nguy cơ, nắm bắt thời cơ.
Ông Tiến yêu cầu, thời gian tới các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước và xuất khẩu, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.
"Đặc biệt, các địa phương cần nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất ở những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu", ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, nêu ý kiến, hầu hết các địa phương như Tây Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Bình Thuận, Nam Định, Thái Nguyên... đều chú trọng vào một số vấn đề như : phối hợp với Tổng cục thống kê trong xây dựng dữ liệu về tổng đàn vật nuôi sát thực tế để có độ chính xác cao làm cơ sở tính toán sản lượng thịt trung bình tiêu thụ trong nước.
Cùng đó là việc quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh để mở rộng thị trường xuất khẩu; đề nghị sửa đổi bổ sung Luật Thú y cho phép giết mổ động vật tại các cơ sở nhỏ lẻ; đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ có quy mô...
"Kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng, xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trên cơ sở cập nhật, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Sớm phê duyệt dự án "Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới", để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện mục tiêu sản xuất, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật", đại diện các địa phương đề xuất.