Xuất khẩu thủy sản và 'bài toán' giữ vững mục tiêu xuất khẩu trong bối cảnh đơn hàng giảm, lãi suất tăng
(DNTO) - Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, từ quý IV, các doanh nghiệp thủy sản đứng trước nguy cơ giảm mạnh doanh số xuất khẩu do đơn hàng khan hiếm và ngân hàng cắt giảm hạn mức tín dụng... Nhều lo ngại Việt Nam sẽ giảm lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Theo phân tích của các chuyên gia và doanh nghiệp, sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu và các đơn hàng của các doanh nghiệp ngành thủy sản đã và đang có xu hướng giảm dù đang vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm.
Kết quả khảo sát mới đây trên 117 doanh nghiệp thuỷ sản cho thấy, có tới có tới 71% số doanh nghiệp cho rằng, triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản trong thời gian tới.
Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: Biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.
Theo TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính, ngành thủy sản phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, khi các đơn hàng xuất khẩu liên tục giảm, kinh tế thế giới xấu đi đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của ngành này.
Trong quý 4/2022 và năm 2023, tỷ giá tại 4 thị trường lớn đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Ngành thủy sản chắc chắn gặp khó khăn khi xuất khẩu qua các nước này, bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của họ.
Không những thế, đến nay Chính phủ vẫn giữ chính sách cung tiền thận trọng và ưu tiên kiềm chế lạm phát. Sự khó khăn về tài chính hiện nay ở các lĩnh vực, mạnh nhất là ở khối bất động sản, đang tác động đến các công ty khác, trong đó có thủy sản do chúng ta đã thâm dụng vốn.
Cũng theo ông Hiển, các công ty có thể chịu được lãi suất cho vay hiện nay ở mức 10-12%, tuy nhiên nếu lãi suất cao hơn thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu như Ngân hàng Nhà nước không thể hạ nhiệt lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong quý I/2023, thì nhiều công ty thủy sản phải chấp nhận lỗ khi sử dụng vốn.
Thực tế, ngay từ đầu tháng 11, các ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất vay, hiện nay mức điều chỉnh cao nhất của một số ngân hàng là từ 1,8% lên 4,9% đối với USD và 4,5% - 9% đối với VND. Bên cạnh đó, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại địa phương đã cắt giảm mạnh hạn mức tín dụng với doanh nghiệp thủy sản dù mới giải ngân được 60-80%.
Hướng đi nào cho doanh nghiệp?
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, đối sách bây giờ không có bài bản nào thống nhất, tùy thuộc hoàn cảnh từng doanh nghiệp. Trước mắt là tập trung trao đổi, đàm phán khách hàng tìm cách giảm thiểu khó khăn, thiệt hại và có chia sẻ cho nhau.
Tiếp theo, các doanh nghiệp nên bình tĩnh xem xét điểm mạnh, yếu của mình một cách thẳng thắn. Qua đó biết cách đi sắp tới sao cho hạn chế thiệt thòi và tăng ưu thế...
Nói về câu chuyện liên kết chuỗi trong sản xuất ngành thuỷ sản, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, đánh giá trường hợp của Sao Ta rất thành công nhờ sớm triển khai hệ thống nuôi tôm ở quy mô trang trại, trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp một phần chủ động được nguồn nguyên liệu, thông qua đó hiểu hơn về về chuỗi sản xuất của chính doanh nghiệp.
Dẫn chứng cụ thể về trường hợp của ngành cá tra, ông Hoè cho biết 60% lượng nguyên liệu cá tra xuất khẩu được kiểm soát bởi công ty chế biến trực tiếp thông qua hệ thống trang trại của họ. Chính điều này giúp tăng tính chủ động trong khâu sản xuất, tránh các biến động như trước đây khi có thời điểm tình hình ngành cá tra lộn xộn về giá cả, chất lượng, …
Đồng thời, theo ông Hòe, thị trường Trung Quốc rất có tiềm năng, nhiều ý kiến cho rằng, muốn tăng trưởng xuất khẩu thủy sản phải đi sâu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
"Chỉ 1 tỉnh của Trung Quốc, cụ thể là Sơn Đông nhập khẩu 1 năm khoảng 4 tỷ USD thủy sản nhưng chủ yếu dùng để tái chế rồi xuất khẩu lại. Do đó, Việt Nam chỉ nên tập trung vào Thượng Hải và Bắc Kinh", Tổng Thư ký VASEP nói.
Trong thời gian tới, theo ông Hòe cần phải có biện pháp đặc thù cho vấn đề tiếp thị vào Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với cách làm hiện nay, cụ thể thiết lập các cửa hàng bán hàng trực tiếp của Việt Nam tại Trung Quốc. Làm được điều trên sẽ dễ đưa được các sản phẩm có giá trị cao của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc mạnh hơn, đặc biệt là tôm (đang bị cạnh tranh về giá bởi Ecuador và Ấn Độ), từ đó lan rộng đối với các sản phẩm khác, thay vì chờ đợi sự thâm nhập của các nhà nhập khẩu từ phía Trung Quốc.
Trước những dự báo không mấy bằng phẳng, Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là USD, tạo điều điện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tăng hạn mức tín dụng; áp dụng song song chính sách tài chính và tài khóa, trong đó tập trung vào giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp, giảm hoặc hoãn nghĩa vụ thuế để chia sẻ gánh nặng cùng doanh nghiệp...