Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu 'đuối sức', chiến lược nào giúp doanh nghiệp bảo toàn lợi nhuận?
(DNTO) - Sau nhiều tháng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, từ tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hụt hơi. Điều này được dự báo có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của ngành trong thời gian tới. Đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều giải pháp linh hoạt, ứng phó với thị trường.
Nhiều tác động bất lợi
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau khi tăng nóng từ 39-62% trong 4 tháng đầu năm, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Theo đó, xuất khẩu tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục chững lại với giá trị xuất khẩu 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 4% so với tháng 6/2022.
Phân tích nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm tốc, VASEP cho rằng thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.
“Sản xuất tôm trong nước và nhu cầu tôm thế giới được dự báo là không khả quan trong 6 tháng cuối năm. Nguồn cung tôm của các nước sản xuất tăng mạnh, lượng nhập khẩu của các thị trường chính như Mỹ, EU tăng trong nửa đầu năm sẽ dẫn đến lượng tồn kho tăng và nhu cầu chững lại trong nửa cuối năm”, VASEP nhận định.
Ở góc độ phân tích với doanh nghiệp xuất khẩu tôm, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022.
Không những thế, chi phí vận tải biển và nhân công hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Cước đến Bờ Tây Mỹ hiện nay đang ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần, từ 10.000-12.000 USD. Điều này chi phối rất nhiều, đặc biệt với ngành đông lạnh của Việt Nam. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.
Cũng theo VASEP, đồng USD tăng giá, Euro mất giá và lạm phát tiêu dùng đang kìm hãm tiêu thụ cá ngừ ở EU. Điều này khiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU giảm tốc trong vài tháng tới.
"Đồng USD mạnh đang khiến cho các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu từ các quốc gia ngoài khối như Việt Nam, Philippines, Ecuador vào EU trở lên đắt đỏ hơn. Chính điều này đã ảnh hưởng tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong 3 tháng qua", VASEP nhận định.
Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam theo mẫu của EVFTA còn nhiều bất cập khiến cho nhiều lô hàng xuất khẩu sang khối thị trường này bị đình trệ. Tất cả những yếu tố này đang kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Thực tế trên đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược thị trường linh hoạt và sách lược thị trường từng giai đoạn, có thể là từng năm.
Cụ thể, theo nhận định của các chuyên gia, với giá tôm nguyên liệu hiện nay khá cao, nếu chế biến hàng phổ biến sẽ không có lãi, thậm chí lỗ. Nhưng nếu chế biến hàng cao cấp, tỉ suất lợi nhuận vẫn khá tốt. Các doanh nghiệp tôm cần tập trung vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thuyết phục khách hàng.
Mặt khác, trong thực tế, nếu muốn việc mua bán ngày càng tích cực, phát triển, thì các doanh nghiệp luôn tạo dựng hình ảnh sản phẩm chiến lược cho mình. Thay vì dàn đều cho nhiều sản phẩm, doanh nghiệp nên tính toán chọn sản phẩm nào mình có thể chế biến nổi trội, thu hút khách hàng, đó sẽ là bước lan tỏa các sản phẩm còn lại.
Do nguồn tôm nguyên liệu không dồi dào, giá đầu vào cao, doanh nghiệp tôm Việt tập trung vào các mặt hàng tôm chế biến sâu và chuyển hướng thị trường phù hợp. “Dù biết rằng việc chuyển hướng thị trường không thể đạt kết quả ngay trong thời gian ngắn, do vậy các doanh nhân tôm phải có cái nhìn xu thế, tình hình để có bước chuẩn bị cần thiết”- ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Như Công ty Vĩnh Hoàn có các đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý 3 và các đơn đặt hàng quý 4 với giá bán bình quân dự kiến sẽ ngang bằng với quý 2. Hiện doanh nghiệp này đang tập trung vào chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng tại Trung Quốc khi cố gắng thâm nhập vào phân khúc cao cấp vốn có giá cả ít biến động.
Các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu. Đồng thời, cần nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định EVFTA hơn nữa trong thời gian tới vì còn nhiều dư địa để phát triển; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt chung trong khối.
Để trợ lực cho doanh nghiệp xuất khẩu, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp các doanh nghiệp sáng nay, 11/8, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt là đối với giá thức ăn chăn nuôi.
Đối với tín dụng cho doanh nghiệp, ông Nam cho hay, tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.
"Nghĩa là chúng ta sẽ tồn kho, chúng ta sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân", ông Nam nói.
"Mong rằng Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giúp cho các vấn đề nóng hiện nay", Phó tổng thư ký VASEP kiến nghị.