Sau 2 năm mở ‘cao tốc’ sang EU, xuất khẩu Việt Nam được gì?
(DNTO) - Mặc dù thành tích xuất khẩu của nước ta sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tương đối tốt nhưng còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đưa xe lên “cao tốc”.
‘Cao tốc’ liên tục được thông quan
Cách đây 2 năm (1/8/2020), Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, được ví như đường “cao tốc” cho các xe hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU. Trong 2 năm đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang khối kinh tế này vẫn rất khả quan.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%. Một số nhóm hàng như sắt thép có mức tăng trưởng lên đến 200%, cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng 55,8%. Các nhóm hàng truyền thống như nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao từ 20-30%/năm. Nhóm hàng dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng tăng từ 10-15%. Đặc biệt, sau khi EU mở cửa lại thị trường cho thủy sản Việt Nam, xuất khẩu nhóm ngành này cũng tăng trưởng đột phá…
“Những mặt hàng có thuế cao, được cắt giảm mạnh như rau quả, thuỷ sản đều tăng trưởng tốt. Điều này, cho thấy, doanh nghiệp đã tận dụng đa dạng EVFTA, tập trung vào các mặt hàng chúng ta có thể mang lại lợi thế tốt. Thứ hai, tất cả các thành viên EU đều nhập khẩu từ Việt Nam, cho thấy doanh nghiệp đã đa dạng thị trường.
Mặc dù EU là thị trường khó tính với các hàng rào kỹ thuật, nhưng các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng thử thách đó, đáp ứng yêu chuẩn cao để vào thị trường. Đó là điểm lớn, trong đó cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu của EU và đưa hàng vào một cách bài bản”, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Gỡ dần ‘barie’ trên ‘cao tốc’
Tuy vậy, một thực tế mà ông Ngô Chung Khanh cũng thừa nhận là doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tối đa ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Cụ thể như khi nhìn vào thị phần hàng hóa chiến lược của Việt Nam tại EU thì vẫn còn tương đối nhỏ (thị phần rau quả chưa đến 4%, thủy sản đến 8% và gạo dưới 7%).
“Nếu bây giờ lấy một số tỉnh xuất khẩu lớn nhất (trong top 10 chẳng hạn), thì tôi không nghĩ rằng tỷ trọng của thị trường EU trong xuất khẩu các tỉnh đó đến 15-20%. Tức là chúng ta vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chúng ta chưa tập trung, như vậy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, đó là 2 điểm lớn mà chúng ta có thể làm tốt hơn nữa”, ông Khanh nhấn mạnh.
Một trong những rào cản khiến hàng Việt xuất sang EU còn nhỏ lẻ vẫn là việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ.
Cụ thể, đối với ngành thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản cho biết, mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp để đào tạo cho doanh nghiệp đảm bảo vấn đề này, nhưng chính cơ quan liên quan cũng không tránh khỏi những hiểu lầm về cấp CO, quy tắc xuất xứ vì từng thị trường lại có những kiểm soát riêng.
“Ngoài các thách thức về thẻ vàng IUU, lạm phát của EU hay áp lực cạnh tranh với các đối tác khác thì các thách thức khác về dài hạn như về yêu cầu chứng nhận ngày càng cao hơn của thị trường, hay yêu cầu về môi trường, lao động cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với thuỷ sản Việt Nam khi khai thác thị trường EU”, bà Lê Hằng nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thì một trong những rào cản khiến hàng Việt xuất khẩu sang EU vẫn còn rất nhỏ là do văn hóa thương mại của các doanh nghiệp Việt.
Đơn cử như Trung An, đơn vị chiếm tới 68% lượng xuất khẩu gạo sang EU, cho biết mỗi năm thị trường EU nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo, hạn ngạch dành cho Việt Nam là 80.000 tấn/năm nhưng chúng ta mới chỉ xuất khẩu 60.000 tấn. Trong khi đó, tại Đông Nam Á, EU mới chỉ kí FTA với Việt Nam và Singapore. Mà Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong khi Singapore không có gạo để xuất khẩu. Như vậy Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội này.
“Nếu ở châu Âu chỉ có thương hiệu gạo Trung An thì chưa thể tạo dựng được thương hiệu gạo Việt ở thị trường này. Do vậy, cần có một chương trình hợp tác và các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp sức tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường này ví dụ như truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn châu Âu trên nền loại gạo ngon nhất của Việt Nam, để hạn chế việc hàng hoá bị trả về do vi phạm các tiêu chuẩn của thị trường này”, ông Phạm Thái Bình kiến nghị.
Đứng dưới góc độ là cơ quan thương mại, ông Ngô Chung Khanh cũng cho biết rất khó khăn trên bàn đàm phán là khi chúng ta đề nghị dư địa lớn xuất khẩu nhưng doanh nghiệp lại không tận dụng hết.
“Ví dụ theo EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch lên đến 30.000 tấn gạo thơm nhưng chúng ta chưa tận dụng hết, thậm chí trong quá trình trao đổi với EU họ nói 30 tấn còn chưa dùng hết thì đòi thêm làm gì? Bao giờ tận dụng hết mới tính. Gạo thơm thì cần có thương hiệu, nhưng hiện thương hiệu gạo Việt rất yếu, nếu chỉ làm gia công thì làm sao tăng công suất. Có thể tìm đối tác xuất bù hoặc kết hợp với nhau để đủ 30.000 tấn”, ông Khanh cho hay.
Đại diện Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho biết đang đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước trao đổi với các ngân hàng thương mại giúp các doanh nghiệp FTA tiếp cận tín dụng tốt hơn vì những “barie” (rào chắn) đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam còn rất dài.