Hàng Việt đừng để vụt mất 'miếng pho mát' từ ông lớn EU
(DNTO) - Liên tiếp nhận nhiều cảnh báo vi phạm về chất Ethylene Oxide, nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phương pháp bảo quản còn lạc hậu... đang khiến hàng Việt có nguy cơ mất dần vị thế tại thị trường lớn EU.
Lo ngại đối tác sẽ "quay xe"
Trao đổi trong chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, sáng 5/8, ông Arjen Roem, Phó Chủ tịch Tiểu ban Ngành Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham, nhấn mạnh về cơ hội và thách thức cho hàng hóa Việt Nam tại EU.
Đại diện của EuroCham cũng nhận định, một trong những thách thức lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam tới EU là các yêu cầu nghiêm ngặt tại đây.
Nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ quả, gạo, thực phẩm chế biến vẫn chưa đạt số lượng cần thiết cho các đơn đặt hàng lớn tại các siêu thị ở EU. Trong khi nhu cầu của EU ngày càng tăng, số lượng rau củ quả đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu vào khu vực này vẫn còn hạn chế. Do vậy, doanh nghiệp ở châu Âu không thể chuyển sang nhập rau củ quả tươi từ Việt Nam.
Ngoài ra, EU liên tục cập nhật và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu gồm thức ăn và sản phẩm thực vật. EU tăng cường áp dụng các tiêu chí mới về chứng nhận liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội.
Theo ông Arjen Roem, các quy định của EU không nhằm hạn chế nhập khẩu mà nhằm đảm bảo sức khỏe và tiêu chuẩn chất lượng đi khắp các thị trường EU. Với những tiêu chuẩn này, việc gia nhập vào thị trường EU của Việt Nam còn nhiều thách thức.
“Thời gian qua, xuất khẩu nông sản và thủy sản Việt Nam đã phải vật lộn để đáp ứng tiêu chuẩn này. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế thị trường Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tìm cách khôi phục vị thế và uy tín quốc tế của mình. Điều này đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn trong việc cung cấp những chứng nhận rõ ràng, trung thực, chính xác.
Các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt là thách thức với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến EU. Thực tế Việt Nam phụ thuộc nguyên liệu vào nhiều nước nằm ngoài EVFTA, điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tối ưu hóa lợi thế”, đại diện EuroCham cho biết.
Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm cũng là yếu tố gây bất lợi cho hàng Việt tại EU. Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, năm nay, thị trường Hà Lan khó khăn hơn các năm trước do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine đã đẩy giá nguyên nhiên liệu cao kỷ lục.
Giá khí đốt tại Hà Lan hiện cao thứ hai ở châu Âu (chỉ sau Thụy Điển) khiến các mặt hàng khác đều tăng cao. Hà Lan cũng là quốc gia có chỉ số giá tiêu dùng cao nhất trong khu vực EU, CPI 11,6%. Sức mua người tiêu dùng kém nên các nhà nhập khẩu hạn chế nhập hàng từ châu Á mà chuyển hướng sang các nước trong khu vực (chủ yếu là Tây Ban Nha) và Nam Mỹ.
Bên cạnh đó, mặt hàng thực phẩm khô từ Việt Nam thời gian qua cũng liên tiếp nhận nhiều cảnh báo vi phạm về chất Ethylene Oxide (EO), nên các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này có tâm lý e dè hơn, giảm lượng nhập khẩu trong thời gian vừa qua.
Còn các mặt hàng rau củ quả tươi phần nhiều không đáp ứng được tiêu chuẩn bảo quản qua đường biển nên phần nhiều các nhà nhập khẩu Hà Lan trước đây từng nhập khẩu thanh long, quả vải của Việt Nam thì năm nay không dám chấp nhận rủi ro để nhập số lượng lớn hàng hóa này bằng đường biển.
“Vừa qua, quả bưởi Bến Tre nhập khẩu vào Hà Lan qua cảng Rotterdam, để phân phối sang Đức, Séc, Pháp. Tuy nhiên, giá bán lẻ khá cao, khoảng 11 EUR, khó cạnh tranh với bưởi Trung Quốc đang có hàng quanh năm và giá bán lẻ chỉ 2-3 EUR. Mặc dù bưởi Việt Nam được đánh giá là ngon, ngọt hơn nhiều so với bưởi Trung Quốc nhưng với giá như vậy thì khó cạnh tranh trên thị trường châu Âu”, bà Diệp cho biết.
Cần nhiều xe lưu thông tại "cao tốc" EVFTA
Tuy vậy, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2021 đã mở ra một chương mới trong thương mại giữa hai bên.
Hiệp định xóa bỏ gần 99% các dòng thuế ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Phía EU đã cắt giảm 94% tổng số 547 dòng thuế với mặt hàng rau củ tươi và chế biến, đây là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
EVFTA cũng loại bỏ rào cản thương mại của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về pháp lý, môi trường, môi trường đầu tư. Giai đoạn 2021-2021, Việt Nam là đối tác lớn thứ 31 cho hàng hóa xuất khẩu của EU và đối tác lớn thứ 11 cho hàng hóa nhập khẩu của EU.
Đặc biệt, theo ông Arjen Roem, trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine, các giao dịch giữa các doanh nghiệp Nga bị cấm vận trực tiếp và gián tiếp vì khó khăn trong việc thanh toán sẽ ngày càng trở nên phức tạp. Tình trạng này sẽ tiếp tục làm chậm trễ và tăng chi phí trong các dây chuyền sản xuất của nhiều ngành công nghiệp.
Vì vậy, Việt Nam nhân cơ hội này cần cải thiện thị phần ở thị trường EU vốn đang có nhu cầu ngày càng cao. Các nước châu Âu đang tìm kiếm nguồn cung cấp ngũ cốc, nông sản thay thế. Do đó, Việt Nam có thể tăng cường vai trò ở thị trường EU để thay thế các mặt hàng từ Nga.
“Việt Nam cần tận dụng triệt để hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm với EU với mức thuế suất 0% theo EVFTA. Trong giai đoạn 2020-2021, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu 60.000 tấn gạo tới thị trường EU. Cho nên tôi nghĩ đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo và các mặt hàng khác tới thị trường EU.
Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác là gỗ và đồ gỗ, sắt thép, hồ tiêu cũng cần đẩy mạnh. Một tin tốt cho nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL là sau 2 năm liên tục sụt giảm, xuất khẩu cá tra và tôm Việt Nam sang EU đã tăng gần 70% trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 190 triệu USD. Cá ngừ tăng 82%, đạt 155 triệu USD”, ông Arjen Roem nhấn mạnh.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cũng khuyến nghị địa phương có chính sách hỗ trợ tổ chức, đoàn doanh nghiệp Hà Lan vào Việt Nam mua hàng, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các thương vụ để kịp thời tư vấn điểm đến thị trường, đối tác thích hợp. Với doanh nghiệp luôn chú ý cập nhật thông tin thị trường, quy định có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, cải thiện mẫu mã và thông tin bao bì, chú ý đến xu hướng bảo vệ môi trường.