Nửa cuối 2022, tăng trưởng xuất khẩu sẽ hạ nhiệt do nhu cầu của thế giới chậm lại
(DNTO) - Nhóm phân tích của VNDirect dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022 và đạt 14% cho cả năm 2022.
Theo Tổng cục thống kê, giá trị xuất khẩu tăng 20,9% so với cùng kỳ (+8,5% so với quý trước) lên khoảng 96,8 tỷ USD trong quý 2/2022. Tốc độ tăng trưởng được cải thiện đáng kể từ mức tăng 13,5% so với cùng kỳ trong quý 1/2022.
Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng dương trong quý 2/2022, bao gồm điện thoại và linh kiện (+28,3% so với cùng kỳ), hàng điện tử và máy tính (+16,0% so với cùng kỳ), máy móc thiết bị (+41,6% so với cùng kỳ), dệt may (+22,7% so với cùng kỳ), giày dép (+18,6% so với cùng kỳ), gỗ và sản phẩm từ gỗ (+2,8% so với cùng kỳ), ô tô (+5,8% so với cùng kỳ), thủy sản (+35,4% so với cùng kỳ), thép (+13,5% so với cùng kỳ) và sản phẩm hóa chất (+26,7% so với cùng kỳ).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng lên 185,9 tỷ USD (+17,3% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn trong nửa cuối năm 2022.
Hầu hết các tổ chức nghiên cứu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,5-0,9 điểm % cho năm 2022, do hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt.
Cụ thể, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến, giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Trung Quốc gây thêm lo ngại về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Điều đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, như trường hợp của Samsung, đã phải điều chỉnh kế hoạch sản lượng trong năm nay. Do đó, nhóm phân tích dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022 và đạt 14% cho cả năm 2022.
Đối với nhập khẩu, chi tiêu nhập khẩu của Việt Nam đạt 97,6 tỷ USD trong quý 2/2022 (+11,3% so với quý trước, +15,7% so với cùng kỳ). Hoạt động nhập khẩu vẫn mạnh mẽ do sự mở rộng vững chắc của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm đầu vào, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi đã thúc đẩy nhập khẩu hàng tiêu dùng.
Trong số các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam, các mặt hàng có tốc độ tăng nhập khẩu mạnh nhất trong quý 2/2022 bao gồm than đá (+148,2% so với cùng kỳ), khí hóa lỏng (+132,5% so với cùng kỳ), sản phẩm dầu mỏ (+109,1% so với cùng kỳ), rau quả (+43,9% so với cùng kỳ), sản phẩm kim loại cơ bản khác (+40,1% so với cùng kỳ), hóa chất (+33,2% so với cùng kỳ), cao su (+33,0% so với cùng kỳ) và thủy sản (+31,4% so với cùng kỳ).
Về cán cân thương mại, Việt Nam nhập siêu 0,8 tỷ USD trong quý 2/2022. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 0,7 tỷ USD, con số này đã được cải thiện so với mức nhập siêu 1,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021.
Cho cả năm 2022, nhóm phân tích của VNDirect kỳ vọng cán cân thương mại của Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, cải thiện so với cán cân thương mại của năm ngoái là 3,3 tỷ USD.