Hàng xuất khẩu lo tồn kho vì thiếu thông tin thị trường
(DNTO) - Nhiều ngành hàng có thể đạt hiệu quả xuất khẩu tốt hơn, tránh khỏi tình trạng tồn kho lớn, nếu được nắm bắt thông tin về thị trường tốt hơn.
Hội nghị Giao ban Xúc tiến Thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022 do Bộ Công thương tổ chức chiều 29/7, quy tụ các cơ quan thuộc bộ, Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các Hiệp hội, ngành hàng.
Trong đó, nội dung trọng tâm bàn về việc làm sao duy trì sự kết nối liên tục, sâu sắc giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường nước ngoài để đạt hiệu quả xuất khẩu tốt nhất.
Tại Hội nghị, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam thông tin, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày, túi xách ước đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện các đơn hàng về Việt Nam cũng khá tốt. Tuy nhiên, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước xung quanh bị hạn chế nên ngành bị gián đoạn sản xuất. Cùng với đó, việc nhiều doanh nghiệp thiếu lao động cũng làm hạn chế kết quả sản xuất kinh doanh của ngành.
Ngoài ra, hiện các sản phẩm túi xách, da giày của Việt Nam đang được xuất khẩu với mức giá trung bình 16 USD, là mức giá trung bình của thế giới. Để sản xuất được mặt hàng giá trị cao hơn, cần nhập khẩu nguồn nguyên liệu có giá trị cao từ các nước. Mỹ, EU và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nhưng, Việt Nam mới chỉ tận dụng những thế mạnh của FTA trong xuất khẩu, chưa tận dụng tốt nhập khẩu. Ví dụ EU có nguyên phụ liệu giá trị cao để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, nguyên liệu thiết bị công nghệ mới để hướng tới sản bền vững, xanh, sạch để đổi mới công nghệ nhà máy giày.
“Chúng tôi được biết phía Đức sẽ ra đạo luật thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, hay EU sẽ đánh thuế carbon với một số mặt hàng nhập khẩu, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn sản xuất Việt Nam, nhưng hiện nay chúng tôi chỉ mới nắm được thông tin ban đầu, vì vậy chúng tôi rất cần những thông tin cụ thể. Việc kết nối thông tin rất quan trọng để doanh nghiệp nắm bắt nhanh chóng, tránh bị thất bại trong xuất khẩu”, bà Xuân nói.
Cũng với tình trạng xuất khẩu bị hạn chế do thiếu thông tin của các thị trường, bà Mai Thị Thùy, đại diện Hội nữ Doanh nhân Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp trong Hội đang nối lại hợp đồng cũ với các đối tác nước ngoài đã bị đứt gãy bởi dịch Covid-19, tuy vậy cũng rất khó khăn.
“Khó khăn là năng lực tìm đối tác nước ngoài của doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp trong Hội của chúng tôi có cơ sở vật chất rất tốt, có khả năng sản xuất được nhưng vẫn làm gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chúng tôi đề xuất thương vụ tổ chức giới thiệu các Hội chợ liên quan để chúng tôi giới thiệu cho doanh nghiệp vì đây là kênh giao thương rất quan trọng để tìm bạn hàng. Ngoài ra, nên thông tin sớm và kỹ về các quy định của thị trường để doanh nghiệp tham khảo. Ví dụ chúng tôi cần nhờ Thương vụ khu vực Đan Mạch, Đức Pháp, Hà Lan tìm kiếm các đối tác có nhu cầu nhập khẩu thủ công mỹ nghệ”, bà Thùy cho hay.
Đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và hệ thống thương vụ tại nước ngoài, ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam nêu ví dụ, hiện sản xuất và xuất khẩu cao su Việt Nam hiện đang khá tốt nhưng giá bán cao su tự nhiên trong tổng thể bình quân ngành chưa cạnh tranh được với Thái Lan và Indonesia. Nguyên nhân là cao su Việt Nam chưa có thương hiệu tốt, chất lượng mặc dù có đôi lúc tốt hơn tiêu chuẩn quốc tế nhưng không ổn định nên giá bán không cao.
Vì vậy, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam rất mong muốn được hỗ trợ để xây dựng quan hệ chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng ở nước sở tại để kịp thời nắm bắt thông tin, đề xuất, khiếu nại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cao su mong muốn Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ thẩm định các đối tác nước ngoài, hỗ trợ tư vấn pháp lý khi gặp vướng mắc với đối tác.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn thông tin từ thị trường nước ngoài, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại đề xuất Bộ Công thương tổ chức các chương trình giao ban hàng tháng để nắm bắt nhu cầu thực tế của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp một cách hiệu quả cũng như để doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ thị trường nước ngoài qua hệ thống Thương vụ.
Đánh giá về vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, bà Mai Thị Thùy cho hay, với kinh nghiệm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại từ những năm 2008, Hội nữ Doanh nhân Việt Nam được sự hỗ trợ rất lớn từ phái các thương vụ trong việc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp đối tác nước ngoài, tham gia các hội nghị giao thương.
“Kể cả trong đại dịch, chúng tôi liên tục duy trì mối liên hệ với các đầu mối của Thương vụ ở nước. Ví dụ thị trường Lào, khi chúng tôi chưa sang được do Covid-19 nhưng vẫn được hệ thống Thương vụ giới thiệu đối tác nhập khẩu hành tỏi khô cho doanh nghiệp”, bà Mai Thị Thùy nói và cho biết nếu tổ chức Hội nghị giao ban mỗi tháng một lần sẽ là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tiếp cận thông tin về thị trường nước ngoài để phục vụ tốt cho sản xuất và xuất khẩu.