Nhiều rào cản khiến việc định danh nông sản Việt trên thị trường 'khó tính' còn bỏ ngỏ
(DNTO) - Doanh nghiệp xuất khẩu muốn có chỗ đứng ở thị trường đòi hỏi kỹ thuật, an toàn cao, bắt buộc phải quan tâm về chất lượng và thương hiệu của sản phẩm. Muốn vậy, cần thiết lập liên kết chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ thông suốt trong các khâu để hoàn thiện chuỗi sản xuất.
Cần sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, chế biến
Xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Cụ thể, kết quả xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và đầu vào phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hộiảau quả Việt Nam cho rằng, nhiều mặt hàng nông sản đặc sản có tính mùa vụ, thường thu hoạch sản phẩm tươi ồ ạt trong thời gian ngắn. Thiếu công nghệ chế biến, bảo quản, việc xuất thô nông sản tươi gặp nhiều hạn chế.
Vì xuất thô nên chúng ta không xuất khẩu nông sản số lượng lớn, không có khả năng tiếp cận sâu vào thị trường nội địa các nước công nghiệp phát triển rộng lớn với khách hàng tiềm năng, có thu nhập cao và nhu cầu tiêu dùng lớn. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu vì thế gặp một số khó khăn nhất định.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang Nga – Ukraine, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa…
Đặc biệt, tình trạng được mùa mất giá, nông sản ùn tắc ở các cửa khẩu… là những câu chuyện đau lòng đã diễn ra trong thực tế nhiều năm qua, cho thấy ngành nông nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, chế biến để có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Trước thực tế đó, tại Tọa đàm "Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản", diễn ra hôm nay, 26/7, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý Tổng cục Hải quan Đào Duy Tám cho rằng, ngành nông nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, chế biến để nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản vào các nước bạn hàng truyền thống của Việt Nam, cũng như các quốc gia thuộc Hiệp định EVFTA, CPTPP là rất cần thiết.
"Để có thể thực hiện được vấn đề này, các cơ quan chức năng cần nhận diện và thay đổi mạnh mẽ về cải cách thủ tục, hay về cơ chế chính sách... đồng thời đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới, đạt được mục tiêu kế hoạch mà ngành nông nghiệp đề ra năm 2022, cũng như phát triển bền vững trong những năm tới", ông Tám nói.
Song song đó, các doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế. "Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, kết hợp đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống. Riêng với thủ tục hành chính, doanh nghiệp cần hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu", ông Tám nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, nếu ứng dụng công nghệ chế biến, những hạn chế trên của nông sản Việt Nam sẽ được khắc phục.
"Tôi lấy đơn cử mặt hàng sầu riêng. Thứ quả này khá cồng kềnh nên khi xuất 1 container sang nước ngoài, chúng ta xác định chủ yếu là xuất khẩu... vỏ. Ngược lại, nếu chế biến sâu tại Việt Nam, tách vỏ sầu, chúng ta chỉ lấy múi sẽ xuất bán được số lượng nhiều và thu lợi nhuận cao hơn so với bán nguyên quả", ông Nguyên dẫn chứng.
Để sản xuất không bị gián đoạn, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng theo hợp đồng, doanh nghiệp phải đầu tư vùng nguyên liệu, chuyển giao công nghệ, giám sát kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển...
"Những người nông dân tham gia chuỗi cũng sẽ được hưởng lợi. Không còn là hình ảnh nhà nông mặc áo tơi, đội nón lá ra đồng mà khi đưa cơ giới hóa vào cánh đồng, sử dụng thiết bị hiện đại, nhà nông có thể tưới tiêu, kiểm soát cây trồng bằng ứng dụng trên điện thoại di động hoặc bằng máy bay không người lái.
Những mô hình này đã được hình thành tại một số vùng nguyên liệu xuất khẩu của các tập đoàn lớn ở Việt Nam và hy vọng được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân và hình ảnh của nông thôn Việt Nam hiện đại", ông Nguyên cho hay.
Tạo cơ hội cho các loại nông sản chủ lực có tên trên bản đồ thế giới
Xác định rõ việc kiểm soát chất lượng nông sản không chỉ mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch mà còn để mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở những thị trường mang lại giá trị cao, khó tính. Vì vậy, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế sẽ tạo động lực cho thành công mới của xuất khẩu nông sản trong năm 2022.
Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường cập nhật, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu.
Mặt khác, không ngừng thúc đẩy các hoạt động mở cửa thị trường. Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ chuẩn bị nội dung làm việc song phương với cơ quan chức năng của các nước: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.
"Đơn cử, trong tháng 6 vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã thống nhất phương án giám sát xử lý vải thiều xuất khẩu của niên vụ 2022 trong điều kiện dịch Covid-19; tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.
Hiện ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo, nhãn, bưởi sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, New Zealand…", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Với thị trường Mỹ, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đại diện Cơ quan kiểm dịch thực vật Mỹ tại Việt Nam (APHIS) tổ chức kiểm tra vùng trồng bưởi và nhà máy chiếu xạ; xây dựng bản đồ chiếu xạ và kế hoạch xuất khẩu để có thể chính thức xuất khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam sang Mỹ.
"Đến nay, các khâu kỹ thuật đối với quả bưởi đã hoàn tất. Sắp tới, Mỹ sẽ có đoàn chuyên gia sang Việt Nam để cùng các đơn vị chức năng thống nhất về liều chiếu xạ quả bưởi và sẽ sớm đưa quả bưởi sang thị trường Mỹ", ông Hoàng Trung cho biết.
Với quả nhãn sang Nhật Bản, theo ông Hoàng Trung, hai bên đang rất nỗ lực để tháng 9/2022 có thể mở cửa được thị trường với loại quả này. Tháng 6 vừa qua, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã sang Việt Nam làm việc và hoàn thành kỹ thuật xử lý lạnh cho quả nhãn để làm căn cứ mở cửa thị trường sang Nhật Bản. Dự kiến đến cuối tháng 7 này, Nhật Bản sẽ hoàn thiện điều kiện nhập khẩu và sẽ công bố việc chính thức xuất khẩu quả nhãn Việt Nam sang thị trường này.
Bên cạnh những kết quả đạt được đến nay trong mở cửa cho quả nhãn, Bộ NN&PTNT cũng đàm phán và đạt được thỏa thuận với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) về các biện pháp để quản lý chặt chẽ quả xoài xuất khẩu sang Nhật Bản, mở cửa lại việc xuất khẩu xoài sang thị trường này, tiến hành cấp mã số vùng trồng xoài và thanh long xuất khẩu sang Nhật.
"Việc định danh một sản phẩm Việt trên những thị trường “khó tính” mới chỉ là bước đầu tiên, quan trọng hơn là phải hoàn thiện chuỗi sản xuất để có thể xuất khẩu được những chuyến hàng lớn, mang lại giá trị cao, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.