Doanh nghiệp thủy sản rất cần trợ lực trước cơ hội bứt tốc
(DNTO) - Mặc dù thắng lớn trong nửa đầu năm, nhưng thời gian còn lại của năm nay, nhiều tác động bất lợi phát sinh khiến cộng đồng doanh nghiệp thủy sản vẫn cần được trợ lực, trong đó, vốn và cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.
Gỡ rào cản từ vốn, nhân lực
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự kiến đến cuối tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Với nỗ lực và kết quả đó, dự kiến năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ cán đích gần với con số 11 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2021).
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngay khi bước vào quý 4/2022, các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với một số thách thức có tác động lớn, gây khó khăn và kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản từ quý cuối năm 2022 và năm 2023.
Cụ thể, tình trạng thiếu vốn mua nguyên liệu sản xuất, thiếu lao động đang là khó khăn trong thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, điều này không chỉ khiến các doanh nghiệp nhỏ như "ngồi trên đống lửa", mà ngay cả hai "ông lớn" thủy sản là cá tra và tôm - doanh thu đều chững lại trong tháng 9.
Doanh thu Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) trong tháng 9 đạt 917 tỷ đồng, giảm gần 28% so với tháng trước. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất 8 tháng qua của "nữ hoàng cá tra". Trong đó, doanh thu cá tra giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm sâu, lần lượt là 37% và 52%.
Tương tự, doanh số tiêu thụ chung của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) tháng qua đạt 19,8 triệu USD (tương đương hơn 475 tỷ đồng). Con số này tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm gần 10% so với tháng trước và là tháng giảm thứ hai liên tiếp...
Các chuyên gia VASEP nhận định, vướng mắc trong cắt – giảm hạn mức tín dụng cho vay của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đang là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp thuỷ sản.
Cụ thể, từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân, khiến nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.
Các doanh nghiệp vẫn nhận thức rằng trong hoàn cảnh hiện nay điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng là trên cân đối chung nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên với hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 có sự tăng trưởng mạnh một cách bất ngờ ở giai đoạn đầu năm nên doanh nghiệp khó tự cân đối nguồn vốn tăng nếu không có sự điều chỉnh tăng nguồn tín dụng từ ngân hàng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, duy trì tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu.
Cùng với đó, hiện nay, tại các tỉnh sản xuất thủy sản tập trung, tình trạng thiếu lao động làm việc trong các nhà máy cũng là một quan ngại với cộng đồng doanh nghiệp. Việc này gây sức ép lớn đến các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ, cam kết giao hàng, và khó khăn để gia tăng công suất.
Mặc dù cuối năm, nhưng so với các năm trước thì năm nay một số doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Thực phẩm Sakura, chuyên chế biến thủy sản cho biết: “Công ty đang phải cho 230 công nhân nghỉ việc luân phiên vì không có đơn hàng. Công ty cố gắng đảm bảo hỗ trợ lương cho mỗi công nhân ngày được 100.000 đồng để trang trải cuộc sống”.
Tương tự, đại diện công ty TNHH chế biến thủy sản Thông Thuận (Bình Thuận) thông tin: “Từ đầu quý 3/2022, các đơn hàng giảm dần nên chỉ cầm chừng được việc cho công nhân sản xuất theo giờ hành chính. Không có tăng ca như những năm trước. Hiện chúng tôi cũng đang cố gắng tìm kiếm thêm các đơn hàng ở thị trường mới để giữ việc làm cho công nhân”.
Trước những khó khăn trên, mới đây, VASEP kiến nghị Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành thủy sản.
Hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác. Cùng với đó, điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu, cũng như giảm chi phí logistic trong nước.
Ngoài vấn đề tiếp cận vốn, để tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu lao động cho việc đảm bảo năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thế giới, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần được cho quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, gia tăng phúc lợi xã hội, quy hoạch khu công nghiệp – đô thị cần xem xét đến vấn đề nhà ở công nhân và hạ tầng xã hội gắn liền với khu công nghiệp.
Cùng với đó, xem xét có khung pháp lý cho doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài (nhập khẩu) trong những điều kiện cần thiết. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống giao thông nông thôn nhanh hơn, vừa phục vụ cho nông nghiệp, vừa giúp lao động nông thôn đến các nhà máy làm hàng ngày.
Để ngành thủy sản phát triển bền vững
Việt Nam là một cường quốc nuôi trồng thủy sản toàn cầu, hiện đứng thứ tư thế giới về giá trị xuất khẩu (sau Na Uy, Trung Quốc và EU). Nhu cầu thủy sản toàn cầu, được dự báo tăng trưởng tới 80%, sẽ mang lại cho Việt Nam một cơ hội rất lớn. Với những chính sách và quy hoạch tốt, bên cạnh hiệu quả về mặt chi phí, khả năng mở rộng tốt cùng sự sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam hoàn toàn có thể mở ra một ngành công nghiệp xuất khẩu mới trị giá hàng tỷ USD, tăng trưởng thông minh và bền vững - nuôi trồng thủy sản biển.
Theo các chuyên gia, nhìn về tương lai 30 năm tới, tình trạng biến đổi khí hậu về cơ bản sẽ định hình lại chuỗi cung cấp thực phẩm toàn cầu. Dự báo mới đây của Ủy ban Liên Chính phủ Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (IPCC), sản lượng thu hoạch cá tự nhiên ở các nước nhiệt đới sẽ sụt giảm khoảng 40%. Đối với Việt Nam, điều này sẽ tác động đến sinh kế của hàng chục nghìn hộ ngư dân và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.
Trong khi đó, hiện tượng nước biển ấm lên cũng sẽ gây ra vấn đề không nhỏ đối với khả năng mở rộng của ngành công nghiệp cá hồi, khiến ngành này khó lòng đáp ứng đủ nhu cầu của thế giới.
Trước các tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu, nguồn cung cấp cá truyền thống sụt giảm và nhu cầu thực phẩm toàn cầu không ngừng gia tăng, đây là thời điểm mà Việt Nam nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội nếu không muốn lỡ chuyến tàu đến với một tương lai phát triển bền vững.
Theo đó, để thủy sản Việt Nam có cơ hội vươn lên top đầu thế giới, tại các Diễn đàn gần đây, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và lãnh đạo ban ngành đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố cơ sở hạ tầng.
Dẫn chứng cụ thể, ông Võ Quan Huy - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho rằng đặc thù ở vùng biển Sóc Trăng là có phù sa rất nhiều, nếu người nuôi đầu tư thủy lợi không đủ cũng sẽ gặp khó. Do đó, cần có những con kênh lấy nước từ biển vào nuôi tôm.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch AFT, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, nhìn nhận, vấn đề quy hoạch nuôi thủy sản cần đặt trong tổng thể quy hoạch nông nghiệp và tổng thể kinh tế quốc gia.
Theo bà Minh, quy hoạch hiện tại dựa chủ yếu vào "lực kéo" từ tôm, cá tra, nhưng bỏ qua cá rô phi vốn là loài dễ nuôi ở cả nước ngọt, nước lợ và có tác dụng làm sạch môi trường. Quy hoạch ngoài phát triển theo chiều rộng, cần hình thành hệ sinh thái liên kết chặt chẽ có sức mạnh nội sinh.
"Tôi đã nghiên cứu nhiều và thấy ở các nước họ liên kết lại xây dựng thương hiệu chung. Tôi nghĩ chúng ta phải đi đến đó. Hiện cá tra có hội nhưng mạnh ai giảm giá, cạnh tranh nhau, không đặt tiêu chuẩn. Chúng ta có thể thay đổi nếu chúng ta xây dựng cộng đồng liên kết chặt chẽ, cùng nhau xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường", bà Minh cho hay.