Chi phí logistics chiếm 12-38%, đề xuất thiết lập chuỗi logistics để tạo đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản
(DNTO) - Hiện chi phí logistics mảng nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Singapore khoảng 300%, việc thiết lập chuỗi logistics có tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các đầu mối giao thương là yêu cầu cấp thiết để nông sản Việt không bị lép vế vì chi phí logistics đắt đỏ.
Tại Hội nghị bàn tròn về thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, chiều 25/12, TS. Nguyễn Anh Phong, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết logistics đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh nông sản, tuy nhiên dịch vụ này tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề, đó là chi phí cao, hạ tầng phát triển không kịp so với nhu cầu thực tế, năng lực cung ứng dịch vụ có hạn…
"Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore 300%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP, trong khi đó, mức trung bình trên thế giới chỉ khoảng 11% GDP ", TS. Nguyễn Anh Phong nói.
Theo đó, tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản trung bình khoảng 25 - 30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo.
Đại diện các doanh nghiệp phản ánh, hạ tầng logistics đang là rào cản ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu nông lâm thủy sản, khả năng tận dụng cơ hội kinh doanh.
Đơn cử, ông Tô Mạnh Hà, Quản lý kinh doanh, Ban Quản lý Nông - lâm - thủy sản (Tập đoàn T&T), cho biết Việt Nam nằm sát thị trường lớn Trung Quốc nhưng hạ tầng logistics chưa khai thác được lợi thế này. Hiện nay, một xe sầu riêng đi từ Đắk Lắk đến Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc mất 7 ngày nếu cửa khẩu thông thoáng. Nếu ùn tắc, xe phải nằm chờ, riêng tiền dầu chạy xe tốn thêm 2,5 triệu đồng/ngày.
"Nếu Lạng Sơn hay các cửa khẩu lớn có đủ các bến bãi tập trung, xe hàng tuyến dưới đưa lên chuyển vào đó nằm chờ xuất khẩu thì không có chuyện ùn tắc", ông Hà nói.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Minh Phú, than phiền, một container tôm từ TP.HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador xa hơn nhiều nhưng vận chuyển sang Trung Quốc với chi phí chỉ bằng một nửa.
"Vận chuyển nội địa tốn phí gấp đôi sang Mỹ, đó là nghịch lý rất khó chấp nhận. Cơ quan chức năng phải vào cuộc để tìm cách kéo giảm chi phí logistics bất hợp lý như vậy. Nếu điều này vẫn tồn tại, nông sản Việt Nam chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh, ông Quang thẳng thắn.
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, những hạn chế là do thời gian qua Việt Nam chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn; thiếu chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng…
Để logistics là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, việc xây dựng và triển khai Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030" là rất cần thiết để giải quyết các điểm nghẽn hiện nay, góp phần khơi thông luồng xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp đề xuất thực hiện 3 dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường hàng không kết nối thị trường Asean, Trung Quốc; trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.
"Việt Nam có 7 vùng kinh tế với điều kiện sản xuất, hạ tầng, nhu cầu kết nối thị trường khác nhau. Do đó, việc xây dựng chiến lược mạng lưới các trung tâm logistics vùng có khả năng kết nối mới chỉ giải quyết được bài toán quy hoạch tổng thể, tạo cơ chế, chính sách đồng bộ hỗ trợ cả nông nghiệp và logistics cùng phát triển.
Tuy nhiên, việc thiết kế, triển khai xây dựng các trung tâm logistics vùng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá chi tiết nhằm đảm bảo dự án mang lại hiệu quả thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển trong dài hạn", Thứ trưởng nhấn mạnh.