Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm hàng tỷ USD nhờ đón cơ hội mới từ thị trường Trung Quốc
(DNTO) - Trong bối cảnh Việt - Trung nâng quan hệ lên tầm cao mới, nhiều triển vọng lớn cho xuất khẩu nông sản Việt được mở ra ở thị trường tỷ dân. Đơn cử, ngành hàng rau quả được dự báo sẽ lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD.
'Cánh cửa' ngoại giao đang rộng mở với doanh nghiệp xuất khẩu
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng của năm 2023, thị trường Trung Quốc đã dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với khoảng 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%.
Sở dĩ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh 18% trong năm nay là nhờ nhiều Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022, giúp nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.
Mới đây, trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, ngày 13/12 nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho hay sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm.
Đáng chú ý, trong 36 thỏa thuận hợp tác, còn có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dưa hấu là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc với giá trị gần 27 triệu USD/năm.
"Khi có nghị định thư, việc thông quan tới đây sẽ được rút ngắn thời gian do tần suất kiểm tra tại cửa khẩu sẽ giảm vì hàng hóa đã được kiểm tra trước ở Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng thuận lợi trong việc đưa dưa hấu vào sâu nội địa Trung Quốc thay vì chỉ bán tại các tỉnh ven biên giới như trước. Với nghị định thư này, năm 2024, xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc có thể tăng gấp đôi, lên 50-60 triệu USD", ông Nguyên dự báo.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết tính đến thời điểm ngày 16/12, có 16 loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào. Ngoài ra, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu biên mậu đối với 12 mặt hàng rau quả, sữa, 805 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài/loại sản phẩm, 48 loài thủy sản và hơn 2.940 mã sản phẩm làm thực phẩm chế biến cũng được Tổng cục Hải quan phê duyệt để xuất chính ngạch, đem lại doanh thu tỷ USD.
Đặc biệt, nhiều loại nông sản đã có sự tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh khi chính thức được nhập khẩu chính ngạch. Mới đây nhất là trái cây sầu riêng, được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này khiến kim ngạch xuất khẩu của trái cây này năm 2023 có thể vượt 2,3 tỷ USD, tăng trên 500% so với năm trước.
Ông Nguyễn Khắc Huy, CEO Hoàng Phát Fruit, một trong những nhà xuất khẩu trái cây lớn nhất Việt Nam cho hay, năm nay đối tác Trung Quốc đặt mua 1.500 container sầu riêng, nhưng doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 30% do không đủ nguồn cung. 10 tháng năm 2023, trái cây xuất bán Trung Quốc tăng 70% cùng kỳ, chiếm 35% doanh thu và bỏ xa các thị trường Mỹ, Nhật Bản.
"Cộng lượng xuất khẩu cả năm đi EU, Nhật Bản, con số này chỉ bằng hai ngày bán sang Trung Quốc", CEO Hoàng Phát Fruit thông tin.
Có thể nói từ “bước nhảy” của mặt hàng trái sầu riêng nói riêng và một số mặt hàng trái cây chủ lực sẽ là chất xúc tác, là động lực quan trọng để ngành hàng rau quả Việt thực hiện tham vọng thu thêm hàng tỷ USD, trở thành “cường quốc” về xuất khẩu rau quả trên toàn cầu.
Dự đoán về triển vọng kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng có khả năng sẽ vượt qua con số 6 tỷ USD và thậm chí có thể đạt tới mốc 7 tỷ USD. Như vậy có thể thấy con số dự báo này vượt xa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là năm 2024 sẽ đạt 4,5 tỷ USD, và đến năm 2025 là 5 tỷ USD.
Học hỏi “bước nhảy” của nông sản ngoại
Trong bối cảnh Việt - Trung nâng quan hệ lên tầm cao mới, điều này đồng nghĩa bên cạnh có thêm cơ hội, cũng sẽ nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải có cách làm mới. Ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), cho rằng, những thách thức này được gói gọn trong 5 từ khóa: Thị trường, chất lượng sản phẩm, tốc độ lưu thông, uy tín và tính bền vững.
Nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính mà hướng tới các tiêu chuẩn cao, Tổng Lãnh sự Việt Nam cho rằng, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng Trung Quốc thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán. Đồng thời, cần nhiều thông tin để hiểu biết căn cơ hơn, nhất là văn hóa tiêu dùng.
"Doanh nghiệp nông sản Trung Quốc nói với tôi rằng, mặt bằng chung và sự đồng đều, nông sản của Việt Nam chưa bằng Thái Lan. Đây là vấn đề lâu dài, căn cơ và chiến lược phải nâng cao để chiếm lĩnh, vững chân ở thị trường Trung Quốc... Từ vườn cây đến chợ, siêu thị và bàn ăn của người Trung Quốc, vấn đề logistics, vận chuyển cần được cải thiện để đảm bảo tốc độ lưu thông nông sản, vốn là mặt hàng coi trọng sự tươi ngon, uy tín", ông Trung cho hay.
Đặc biệt, để nông sản Việt tiến lên cường quốc xuất khẩu, doanh nghiệp Việt cũng cần tiếp tục học hỏi “chiến lược thương mại” từ những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như Thái Lan, để mở rộng hoạt động xuất khẩu rau quả, họ đã có sự chuẩn bị kỹ càng để vượt qua các rào cản phi thuế quan như rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), chống bán phá giá (ADP), trợ cấp xuất khẩu (XS), tự vệ đặc biệt (SSG và hạn ngạch thuế quan (TRQ).
Không chỉ vậy, xét về khâu quảng bá, Thái Lan là nước có lượng khách du lịch lớn, các nhà kinh doanh rau quả đã tận dụng lợi thế này để xuất khẩu tại chỗ với kim ngạch đáng kể. Đơn cử, mỗi năm, Thái Lan đón khoảng 15 triệu khách du lịch, bình quân mỗi khách mua 5 USD trái cây thì doanh thu ước đạt 75 triệu USD. Đây được xem là một hình thức tiếp thị hiệu quả.
Hoặc như Australia, để "thúc" ngành rau quả đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 203, Australia đã xây dựng chính sách 3 điểm: Cải thiện mức lãi trong thu nhập của nông dân; tăng cường sức cạnh tranh của mặt hàng rau, hoa, quả; nâng cao tính bền vững của ngành này. Nhờ đang đi đúng hướng nên với tốc độ tăng trưởng hiện tại thì mục tiêu này có thể sớm được rút ngắn vào năm 2025-2026...
Nhìn chung, việc học hỏi kinh nghiệm xuất khẩu từ các nước tiên tiến cũng chính là cách để tạo ra sự đột phá cho nông sản Việt hướng đến việc trở thành cường quốc xuất khẩu, đó cũng là cơ hội để "rinh" về con số hàng tỷ USD, tăng gấp đôi, gấp ba lần so với kim ngạch đã đạt được trong năm 2023.