Đơn hàng hồi phục 20-40%, các doanh nghiệp xuất khẩu đang dần trở lại 'đường đua'
(DNTO) - Mặc dù khó khăn chưa qua, song hiện sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp đến nay đã dần bắt nhịp phục hồi và lấy lại thị phần ở các thị trường chủ lực. Đây là những dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm.
Đơn hàng tăng nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 3/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý 3/2022, mức tăng này đã phản ánh sự phục hồi trở lại của ngành sản xuất trong nước.
Tận dụng giai đoạn nước rút, nhiều doanh nghiệp đang dồn tốc lực để tăng tốc nhằm cán đích mục tiêu đã đề ra. Điều này được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản, hải sản. Rau quả 9 tháng ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% (riêng tháng 9 tăng 160%); hạt điều ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,3% (tháng 9 tăng 39,6%); gạo ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 40,4% (tháng 9 tăng 80,4%).
Kể từ tháng 8 đến nay, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản, hải sản đã phục hồi từ 20-40% so với thời điểm đầu năm khi các nhà mua hàng tăng mua trở lại để phục vụ nhu cầu cuối năm, lễ Tết. Thời điểm này, bưởi đang vào chính vụ không chỉ ở các tỉnh miền Nam mà nhiều tỉnh miền Bắc cũng bắt đầu thu hoạch. Niềm vui đến với các doanh nghiệp xuất khẩu khi nhu cầu đơn hàng từ thị trường Mỹ, New Zealand đang tăng nhanh với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, không chỉ đơn hàng xuất khẩu bưởi đang tăng mà các loại trái cây khác như nhãn, thanh long... cũng xuất khẩu tốt. Nhìn chung là một gam màu tươi sáng. Đến cuối năm, xuất khẩu trái cây nói chung còn nhiều triển vọng đi lên tiếp vì đơn hàng rất nhiều.
"Nhiều lô hàng của doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện để lên đường sang Mỹ. Nhờ đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp đã gia tăng gần 30% đơn đặt hàng ngay từ đầu quý 3, đưa công suất nhà máy lên 80%", ông Tùng cho hay.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn thông tin, lượng đơn hàng đã đạt khoảng 90% nên công ty bắt đầu cho công nhân làm việc nhiều trở lại với thời gian nhiều hơn, nghỉ ít hơn. Đây là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp và người lao động.
Trước đà hồi phục chung của ngành, CTCP Thực phẩm Sao Ta cũng kỳ vọng sản lượng tiêu thụ và doanh thu sẽ có sự bứt phá trong những tháng cuối năm, tạo điều kiện để hoàn thành mục tiêu 5.900 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ngoài triển vọng phục hồi của xuất khẩu tôm ở thị trường Mỹ, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, nhận định, trước tác động của tỷ giá USD tăng trong thời gian gần đây (hiện đang quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử), những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá tăng. Đơn cử như các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.
Ngoài ra, các yếu tố hỗ trợ như Trung Quốc có động thái hạ lãi suất để vực dậy nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thường tăng cao vào dịp lễ cuối năm, và những chuyến thăm hợp tác giao thương giữa những đối tác lớn với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này có thể kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn và có thể tăng trưởng dương trở lại trong những tháng cuối năm.
Như nhận định mới nhất trong trung tuần tháng 9/2023 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Yuanta, kỳ vọng xuất nhập khẩu nhiều khả năng đã tạo đáy và sẽ đi lên dần trong quý 4/2023 nhờ các ngành nghề đang dần đan xen nhau hồi phục nhu cầu tiêu dùng.
Theo Yuanta, nhu cầu từ thị trường quốc tế đã có dấu hiệu hồi phục trở lại khi chu kỳ nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang dần về cuối. Dù còn quá sớm để cho rằng lĩnh vực sản xuất đã hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên, đánh giá tình hình sản xuất nhiều khả năng sẽ tiếp tục cải thiện trong những tháng tới khi nhu cầu từ các nước phát triển hồi phục rõ hơn.
Cần kéo dài chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp
Trước những tín hiệu khả quan hơn cho các tháng cuối năm, khi nhu cầu hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tăng lên để chuẩn bị cho các mùa lễ hội, mua sắm..., nhiều doanh nghiệp sản xuất đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm "chen chân" lấy lại thị phần xuất khẩu ở các thị trường chủ lực.
Chia sẻ tại Diễn đàn về kinh tế vào ngày 19/9, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh "đơn hàng quý như vàng", xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp tốt nhất để các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa từng cơ hội có được để đẩy mạnh xuất khẩu.
"Điều quan trọng là cần giảm thiểu mọi rào cản, khó khăn cho các nhà xuất khẩu, nhất là những chính sách liên quan đến rào cản kĩ thuật, thủ tục hải quan... sẽ có tác động lớn và trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực như nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ...", ông Tuấn cho hay.
Đồng thời nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải tận dụng được những chỉ dấu thuận lợi và vượt qua được những thách thức vẫn còn đeo bám. Đặc biệt là cần đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu khắt khe và vừa phải phòng ngừa được các yếu tố rủi ro trên thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn như việc tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn sản phẩm của nước ngoài, đây là một trong những rào cản thương mại phổ biến nhất cần lưu tâm.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam được nhận định đang dần bứt tốc, lạm phát phát vẫn trong tầm kiểm soát (mục tiêu 4,5%) với CPI 9 tháng đầu năm tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều áp lực từ bối cảnh kinh tế quốc tế, đặc biệt lạm phát và mặt bằng lãi suất trên thế giới cũng mới chỉ có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt, do đó tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đối mặt không ít thách thức.
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, mới đây, ở kịch bản cao nhất, để tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 khoảng 6%, quý 4 cần tăng 10,6%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi của sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Theo đó, các chuyên nha nhấn mạnh, trong bối cảnh này cần phải kéo dài chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai cho doanh nghiệp tới năm sau. Thực tế cho thấy thời gian qua, các chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT… đều trở thành những "liều thuốc" kịp thời cho doanh nghiệp.