Hàng tồn kho ở Mỹ dự báo về 0% vào cuối năm, cơ hội cho ngành hàng tỷ USD gia tăng xuất khẩu
(DNTO) - "Ấm dần lên" đang là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là khi Mỹ đã bắt đầu tăng đặt hàng trở lại cho những tháng cuối năm và đầu vụ xuân hạ 2024. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu, đòi hỏi các ngành hàng phải "bén" vượt qua “cửa ải”, đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ.
Cú "đạp ga" ấn tượng của ngành gỗ, thủy sản
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mới cho hay, mặc dù xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 24% so với cùng kỳ 2022, tuy nhiên xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Mỹ đều hồi phục trong tháng 8. Đơn cử như tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đang hồi phục chậm nhưng thị trường Mỹ vẫn có xu hướng tốt hơn đối với tiêu thụ thủy sản đông lạnh", bà Lê Hằng chuyên gia của VASEP nhân định, đồng thời cho biết, dù giá bán lẻ thủy sản tươi sống tại Mỹ tiếp tục giảm nhưng giá bán thủy sản đông lạnh đang tăng nhẹ 0,5%.
Thống kê của VASEP hết tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã chạm mốc 1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023, thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD doanh số xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam, ít hơn 23% so với năm 2022.
Mới đây, 5 container hàng thủy sản chế biến, gồm: Tôm sú tẩm bột đông lạnh, tôm sú, bạch tuộc nguyên con đông lạnh, phi lê cá chẽm đông lạnh… vừa được Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Thịnh Phú (Thinh Phu Aquatic) xuất khẩu sang Mỹ và chỉ vài ngày nữa, các container hàng tiếp theo tiếp tục được doanh nghiệp này xuất đi EU.
Bà Phan Thị Bảo Tiên, Trưởng phòng Kinh doanh Thịnh Phú Aquatic cho biết, đơn hàng đang về nhiều hơn, cho thấy dấu hiệu thị trường nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh và chế biến đang ấm hơn những tháng trước. "Với tín hiệu thị trường tốt lên, doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác, giao ngay trong tháng 9 và quý IV/2023".
Chung niềm vui với ngành thủy sản, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong hai tháng gần đây đã có sự phục hồi, khi mức giảm ngày càng thu hẹp so với cùng kỳ năm 2022. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu quý III/2023, tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan. Tiếp nối tháng 7/2023 đạt trên 1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu gỗ tháng 8/2023 tiếp tục đạt trên 1,1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2023 đạt trên 8 tỷ USD.
Theo một số doanh nghiệp, các đơn hàng đã tăng trở lại mặc dù chưa dồn dập, thời gian đặt đơn hàng từ người mua quốc tế cũng khá sát chứ không dài hạn như trước. Song đây là sự hồi phục tích cực, các nhà sản xuất Việt Nam trong tâm thế sẵn sàng nhận đơn và duy trì sản xuất.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Mỹ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 giảm còn 10%, dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc sang Mỹ.
Ông Tiến dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ sẽ tích cực hơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự, xuất khẩu cá tra sang Mỹ những tháng cuối năm và thời gian tới cũng được dự báo đang có những tín hiệu tích cực khi mới đây VASEP đón nhận thông tin cá tra Việt Nam được giảm thuế ở Mỹ.
Trước đó, Alibaba.com cũng nhấn mạnh tồn kho tại Mỹ giảm đang là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. “Theo dự đoán của chúng tôi, tồn kho tại Mỹ giảm nên đơn hàng của Mỹ càng nhiều hơn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) do đó cần nhanh chóng bắt được cơ hội này, khôi phục đội ngũ nhân sự, củng cố khả năng số hóa, liên kết với các cộng đồng doanh nghiệp để đón đầu cơ hội, gia tăng xuất khẩu", đại diện Alibaba.com, ông Roger Lou, nhấn mạnh.
Thay đổi để sẵn sàng "xuất ngoại"
Cơ hội tìm lại vị thế, đẩy mạnh doanh thu đang đến gần, điều các doanh nghiệp cần làm lúc này cần linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với diễn biến của những tháng cuối năm 2023. Đặc biệt, phải tích cực tham gia các Hội chợ Thuỷ sản Quốc tế tại Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nhật Bản... nhằm tìm kiếm đối tác cũng như nắm bắt xu hướng thị trường.
VASEP nhận định, diễn biến tích cực của hoạt động xuất khẩu cá khô, cá hộp thời gian qua sang Mỹ, phản ánh rõ ràng rằng trong môi trường lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ. Sản phẩm tươi/sống đang dần bị thay thế bởi hàng khô và đóng hộp. Những sản phẩm chế biến sâu cũng có biên lợi nhuận tốt hơn so với bán thô.
“Các doanh nghiệp thủy sản hiện nay ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm kích thích nhu cầu. Cụ thể, với sản phẩm cá, Mỹ vẫn đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…” đại diện VASEP chia sẻ đồng thời nhấn mạnh: Ngành thủy sản phải vượt qua “cửa ải” kiểm soát vùng nuôi, sẽ là yếu tố tiên quyết giữ thị trường, đồng thời là “tín chỉ” để thâm nhập vào đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ.
Tương tự với ngành gỗ, Catalina (Công ty phân phối đồ gỗ hàng đầu của Mỹ), cho hay, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam đã chuyển đổi sang sản xuất nhiều đồ nội thất phòng ngủ và nhà bếp, để đáp ứng nhu cầu tăng cao tại thị trường Mỹ. Nhưng đến thời điểm này, phân khúc đồ nội thất phòng ngủ và nhà bếp tại Mỹ đã trở nên bão hòa.
Các nhà sản xuất tại Việt Nam dường như hơi chậm chân trong việc nhận ra sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, họ vẫn sản xuất nhiều đồ gỗ nội thất phòng ngủ và nhà bếp, dẫn đến mặt hàng này tồn kho nhiều. “Các nhà sản xuất từ Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự suy giảm của thị trường nhà bếp, phòng ngủ. Catalina ước tính các lô hàng nhập khẩu những loại sản phẩm này vào Mỹ đã giảm 30,1% trong nửa đầu năm 2023”, báo cáo của Catalina nhấn mạnh.
Đưa ra gợi ý, Catalina cho rằng còn nhiều "cửa" cho ngành gỗ Việt có dư địa khai thác nếu các nhà sản xuất kịp thời nắm bắt. Theo đó, doanh số bán tủ văn phòng, mặt bàn và ghế văn phòng tại Mỹ gần như không suy giảm trong nửa đầu năm 2023. Đặc biệt, doanh số bán cửa phòng tắm đang tăng trưởng vượt trội so với xu hướng chung của ngành. Các mặt hàng gỗ khác như: đồ gỗ ngoài trời, các đồ mỹ thuật trang trí bằng gỗ (đồng hồ gỗ, tranh khắc gỗ, đồ lưu niệm. hộp bút văn phòng…) vẫn đang được tiêu thụ rất tốt và tiếp tục tăng trưởng...
Ngoài ra, thị trường vẫn yêu cầu cao về chất lượng và những yếu tố bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Vì vậy, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Mỹ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối.