Đối mặt với 'bão' khó khăn, hiệp hội các ngành nghề đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ khẩn cấp
(DNTO) - Trong bối cảnh khó khăn tứ bề, các hiệp hội ngành hàng đang tìm cách "tự cứu mình" thông qua các đề xuất giải vây. Và bất kỳ sự tiếp sức nào cũng cần các ban ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai, giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như có những cách thức linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước những khó khăn chưa từng có mà doanh nghiệp phải đối mặt, tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”, ngày 19/7, các Hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất loạt giải pháp khẩn cấp, mong được trợ lực, tiếp tục phục hồi…
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay, bất động sản chững lại đã kéo theo các chuyên ngành kinh tế liên quan "lao dốc" theo. Thống kê 6 tháng đầu năm, tiêu thụ thép giảm 20%, xi măng giảm 10%... dù trong những năm gần đây, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang sụt giảm, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Số lượng dự án triển khai trong năm 2023 giảm cả về số lượng và quy mô, chủ yếu là pháp lý vướng mắc không được giải quyết được.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng cần có một cơ quan chuyên trách đủ chuyên sâu của Quốc hội rà soát văn bản pháp lý trước khi trình Quốc hội để gạt bỏ những chồng chéo xung đột trong các luật, nhất là giữa Luật Đất đai và các luật khác đang chuẩn bị sửa đổi vào tháng 10 này.
Đồng thời nhấn mạnh đến việc kiểm tra, rà soát tháo bỏ mọi rào cản trong môi trường kinh doanh. Những vướng mắc này, thậm chí làm không ít nhà đầu tư nước ngoài e ngại. "Cần sớm rà soát lại các quy định đang áp dụng ở mọi ngành kinh tế và kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính, nhất là phải quy định cấp thẩm quyền nào mới được đưa ra các quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện".
Nêu trăn trở, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dân đến các khó khăn hiện nay của ngành gỗ nhưng một trong số đó xuất phát từ việc thị trường mỹ chiếm 55% tổng xuất khẩu, nhưng quốc gia này lại áp dụng rất nhiều phương pháp bảo hộ thương mại, khởi xướng nhiều cuộc điều tra gỗ dán và tủ bếp, nên dẫn đến hiện trạng xuất khẩu giảm.
Từ những khó khăn, vướng mắc đã nêu, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đề xuất không thực hiện thêm các quy định mới về phòng cháy chữa cháy,… bởi doanh nghiệp gỗ sẽ không xuất khẩu được nếu không đáp ứng được yêu cầu này.
"Đề xuất nguồn vốn vay ngoại tệ có thể giảm xuống 3,8% để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần sớm tiến hành việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành gỗ khi số tiền đang "ngâm" là rất lớn, đồng thời đưa các doanh nghiệp ngành gỗ ra khỏi luồng doanh nghiệp rủi ro cao trong hoàn thuế, bởi nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp để đáp ứng theo các yêu cầu của cơ quan thuế là không thể...", VIFOREST kiến nghị.
Nêu kiến nghị, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, để ngành cơ khí phát triển và đáp ứng được 50% - 60% nhu cầu thị trường 800 tỷ USD từ nay đến năm 2045, đồng thời gia tăng thị phần cho mặt hàng thông dụng cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung toàn cầu, Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt các ngành có giá trị đầu tư lớn trong chiến lược phát triển của Quốc gia; Tiếp tục chương trình “công nghiệp hỗ trợ” với những cơ chế chính sách bổ xung và cập nhật cần thiết; Cụ thể hóa Chiến lược phát triển cơ khí 319/QĐ-TTg xây dựng Nghị định về phát triển cơ khí giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, ông Sáng cũng đề nghị Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể để các doanh nghiệp có định hướng trong đầu tư, để ngành cơ khí có thể phát triển đáp ứng đươc yêu cầu về phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
Ở góc độ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội(Hanoisme), ông Mạc Quốc Anh đề xuất, tăng thời hạn thêm cho khác khoản vay đến hạn, hỗ trợ lãi suất; Giảm các khoản vay cũ quý III, quý IV năm 2022; Doanh nghiệp cần hỗ trợ thuế nhập khẩu 0% cho hàng cần nhập khẩu. Giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng vải không dệt sớm theo lộ trình giảm thuế theo cam kết 4 năm/lần.
Phó Chủ tịch Hanoisme đề xuất vay với lãi suất thấp 5-7% như các doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời mong muốn được nhà nước hỗ trợ về mặt bất động sản (nhà xưởng, kho…), để các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển được trong lĩnh vực sản xuất. Cần có cơ chế cho các doanh nghiệp làm dịch vụ xuất nhập khẩu để chi phí xuất nhập hàng giảm xuống.
Tiếp đà khó khăn, ông Nguyễn Phước Hải, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, tại Việt Nam, việc dạy và học các nhóm ngành công nghệ thông tin như: Chip, Robotics, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá … vẫn đang rất khó. Bởi các trường đào tạo cần phải có kinh phí đầu tư các Phòng thí nghiệm, đầu tư nhân lực để đồng bộ và vận hành hài hòa. Vì vậy, cần có cơ chế cần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, Viện nghiên cứu và trường đại học, chia sẻ kiến thức và tài nguyên, cùng với việc cung cấp các khoản hỗ trợ về cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách kinh tế như: thuế, tín dụng... để hỗ trợ cho việc tiếp cận và triển khai cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết hợp những chính sách khác, như tạo môi trường, chế độ đãi ngộ thu hút chuyên gia và nhà khoa học, giúp đạt được hiệu quả toàn diện...