6 Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị gì với Thủ tướng?
(DNTO) - Tại Phiên Cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên sáng 19/3, đại diện 6 Hiệp hội doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị nóng tới Thủ tướng Chính phủ, nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
Nghị định 12/2015 và các công văn hướng dẫn và cách thức xác định thu nhập chịu thuế và phương pháp tính thuế áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động chuyển nhượng vốn gián tiếp không được đề cập cụ thể, dẫn đến khó khăn khi xác định đúng nghĩa vụ thuế cũng như kê khai và nộp thuế.
Nhiều quốc gia hiện không đánh thuế trên giao dịch chuyển nhượng cổ phần trong một công ty nước ngoài gián tiếp sở hữu vốn tại công ty ở quốc gia đó. Số ít quốc gia chỉ đánh thuế nếu giao dịch thỏa mãn một số điều kiện (công ty mẹ được thành lập nhằm nắm giữ vốn tại công ty con; giá trị công ty con vượt mức tỷ lệ nhất định trên tổng giá trị tài sản của công ty mẹ...).
Ví dụ Thái Lan không đánh thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn gián tiếp. Ấn Độ chỉ đánh thuế nếu công ty con tại Ấn Độ chiếm chủ yếu (trên 50%) giá trị của công ty mẹ - là công ty có vốn được chuyển nhượng. Trung Quốc: chỉ đánh thuế nếu giao dịch chuyển nhượng cổ phần tại nước ngoài được coi là không theo các nguyên tắc thương mại thông thường mà chỉ nhằm mục đích tránh thuế.
Chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính nên có những quy định và hướng dẫn cụ thể về các giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp. Đồng thời, cân nhắc các trường hợp ngoại lệ như thông lệ quốc tế. Ví dụ giao dịch mua bán cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán ở nước ngoài nơi công ty mẹ hoặc công ty mẹ tối cao được niêm yết. Tái cấu trúc trong nội bộ Tập đoàn không làm thay đổi cơ cấu vốn của các công ty trong giao dịch tái cơ cấu. Mức tối thiểu (về mặt giá trị chuyển nhượng và/hoặc tỷ lệ vốn chuyển nhượng) cho việc chuyển nhượng phải chịu thuế.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham)
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành hầu như chỉ áp dụng cho lợi nhuận của công ty. Các hình thức ưu đãi trực tiếp khác như ưu đãi chi phí công ty hầu như không có trong luật thuế. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ nên lồng ghép thêm các ưu đãi dựa trên chi phí để khuyến khích các dự án mới trong các lĩnh vực đầu tư có chọn lọc (ví dụ: hỗ trợ chi phí cho năng lượng tái tạo, phúc lợi cho người lao động, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ).
Sản xuất xe điện cần được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tương tự như các ưu đãi dành cho các dự án bảo vệ môi trường (mức ưu đãi, miễn thuế...).
Theo hướng dẫn của Luật 32/2013/QH13 và Nghị định 218/2013/NĐ-CP về thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp công nghệ cao được tính kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư 78/2014/TT-BTC và Thông tư 96/2015/TT-BTC về thuế thu nhập doanh nghiệp, thời điểm áp dụng ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao được tính từ năm cấp Giấy chứng nhận. Hiệp hội đề nghị nên sửa đổi để thống nhất các quy định này.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham)
Ngày 11/8/2020, Việt Nam ban hành Nghị quyết về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó là các Nghị định 111 về hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Nghị định số 57 về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi đầu tư này.
Nhà đầu tư số 1 vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam là các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng mong muốn được hưởng các chính sách ưu đãi này, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp chưa tận dụng được chính sách hỗ trợ do tiêu chuẩn cấp phép và thẩm định chưa rõ ràng.
Hiệp hội kiến nghị cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết hơn Nghị định, đồng thời cần hướng dẫn các cơ quan phụ trách để doanh nghiệp có nhu cầu trực tiếp đăng ký và được thẩm định. Trên thực tế, ngay cả doanh nghiệp nghiên cứu đầy đủ Nghị định cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt thủ tục chính xác, hồ sơ cần chuẩn bị và các tiêu chuẩn liên quan, ngay cả khi yêu cầu các cơ quan phụ trách hướng dẫn cũng không được giải thích chính xác.
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI)
Kiến nghị sớm công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn tiếp theo (Quy hoạch điện 8). Bởi lẽ, trong những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, do Quy hoạch điện 8 chưa được ban hành, hoạt động của các nhà máy điện tái tạo và những ngành công nghiệp có liên quan như sản xuất nhiên liệu sinh khối cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Sớm triển khai các dự án điện khí, phát triển điện mặt trời và sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), sửa đổi luật đầu tư và luật PPP hiện hành để các dự án phát điện quy mô lớn có thể thu hút doanh nghiệp và tổ chức tài chính nước ngoài.
Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ nới lỏng các điều kiện đối tượng tham gia theo cơ chế mua bán điện trực tiếp như hiện nay, bao gồm tiêu chí công suất lắp đặt tối thiểu 30 MW.
Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV)
Để đạt được các mục tiêu Chính phủ Việt Nam về việc giảm phát thải, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất/nhập khẩu chuyển đổi sử dụng bao bì làm từ nhựa tái sinh (PCR) sang nhựa nguyên sinh, đây là yếu tố chính tạo điều kiện cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa phát triển; cung cấp tín dụng carbon cho những doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến trung hòa carbon, ví dụ như trồng cây xanh.
Để giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ xem xét gia hạn thêm một năm đối với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%.
Trước tình hình lạm phát và lãi suất gia tăng ở Việt Nam hiện nay, có ý kiến lo ngại về quy định không áp dụng tính lãi đối với tài khoản ngoại tệ. Với quy định này, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có xu hướng chuyển tiền ra nước ngoài khi nhận được những khoản ngoại tệ lớn thay vì để trong một tài khoản không có lãi hoặc chuyển đổi khoản tiền đó sang Việt Nam đồng. Đây đang là một quan ngại đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động trong nước. Do đó, hiệp hội đề nghị xem xét lại các quy định này để đảm bảo môi trường cạnh tranh.
Hiệp hội Thành viên Liên kết (gồm 9 Phòng Thương mại và Hiệp hội Doanh nghiệp với tổng số thành viên khoảng 4.500)
Chúng tôi muốn thấy một bộ luật lao động được xây dựng linh hoạt hơn bao gồm các thỏa thuận về công việc thời vụ và bán thời gian, thay vì các hợp đồng có thời hạn. Việc sắp xếp nhân sự linh hoạt cho phép các công ty phản ứng nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Và tất nhiên, thủ tục xử lý thị thực lao động được cải thiện và nhanh chóng hơn sẽ giúp ích rất nhiều.
Để cải thiện hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng cần có sự thêm hỗ trợ về thủ tục khai báo và thông quan hải quan. Cùng với việc tự động hóa nhiều hơn và cải thiện thời gian quay vòng khi xuất/nhập khẩu, bao gồm các thủ tục đăng ký dễ dàng hơn, đặc biệt là sử dụng cơ chế một cửa để nâng cao hiệu quả xử lý.
Đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét khả năng miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Úc giống như 25 quốc gia đã được miễn thị thực.