Gỡ nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA để phục hồi từ Covid-19
(DNTO) - Sáng 22/12, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Thách thức & Cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%.
“Trong kết quả nêu trên có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự tin tưởng và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung thêm động lực để Chính phủ Việt Nam quyết tâm và điều hành linh hoạt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Khái quát về tình hình hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Trong 11 tháng năm 2020, đã có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có mức độ sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước, như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, vận chuyển hành khách…
Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức nêu trên, Việt Nam vẫn nổi lên một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua vẫn tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính đạt 489,1 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 đạt 26,4 tỷ USD, chỉ giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh trên toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19, kết quả này là tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác và thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong giới đầu tư quốc tế.
“Những thành công kinh tế đã nêu cũng chính là nhờ kết quả của sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đều cố gắng có đơn hàng dù nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập”, ông Lộc cho biết.
Cũng theo ông Lộc, nhiều dự báo cho thấy năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ Covid-19 và tiếp tục phát triển.
Về nguồn nhân lực, ông Lộc cho rằng cần xây dựng và thực hiện các Chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cần thiết nhất hiện nay. Phải có các Chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể, cho từng ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm, và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi FDI chuyển dịch.
“Về cơ sở hạ tầng, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả Luật PPP và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang. Đảm bảo sự kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp) đến các cửa khẩu quốc tế”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực và chất lượng xúc tiến đầu tư thương mại thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao hay dành nguồn lực thích đáng cho những tổ chức xúc tiến thương mại như VCCI.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, các lĩnh vực thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động … còn phiền hà. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường”, ông Lộc bày tỏ.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh; giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp; xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn, đầu tư kinh doanh
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, triển vọng phục hồi còn nhiều khó khăn. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 và thiên tai đã khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng, lưu thông, tiếp cận nguồn vốn.
“Năm 2020, Việt Nam phải đảm đương nhiều trọng trách nặng nề. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất có thể và quyết liệt trong các nhiệm vụ khác”, Phó Thủ tướng nhận định.
Trong thời gian tới, để Việt Nam vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi là ưu tiên hàng đầu. Hàng loạt giải pháp đầu tư công, kích cầu đã được Chính phủ triển khai. Điển hình nhất, mới đây Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ thành lập nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài, cạnh tranh quốc tế hiệu quả, thu hút đầu tư vào Việt Nam trong tình hình mới”.
Năm qua chúng ta đã ký kết Hiệp định Việt Nam châu Âu, RCEP, Hiệp định đàm phán VN – Anh, CPTPPP và nhiều hiệp định tự do song phương được triển khai có hiệu quả. Tất cả đều hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới.
Cũng theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, để đồng hành với doanh nghiệp tận dụng cơ hội, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp: Nhất quán ổn định kinh tế xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô. Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn, đầu tư kinh doanh. Kích cầu tiêu dùng nội địa, ưu tiên chuyển đổi số, kinh tế số, coi đây là phát triển bền vững.
Tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, nguồn nhân lực cao để đón làn sóng đầu tư mới. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước bằng việc quảng bá thị trường, sức hấp dẫn của kinh tế Việt Nam và thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao.
“Trạng thái bình thường mới sẽ tạo ra cơ hội đan xen. Điều này rất quan trọng khi Việt Nam bước vào thời kỳ chiến lược mới. Và cộng đồng doanh nghiệp chính là lực lượng nòng cốt thực hiện chiến lược đó”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.