Shark Linh: Doanh nghiệp xã hội không phải tổ chức từ thiện, vẫn phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu
(DNTO) - Theo bà Thái Vân Linh (Shark Linh), việc nhiều doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện chưa thể phát triển rộng mô hình kinh doanh là do quá chú trọng đến việc giải quyết vấn đề xã hội nhưng thiếu hiểu biết về thị trường, đối thủ hay các bài toán kinh tế khác.
Phải "sống" mới giúp được cộng đồng
Theo Điều 10, Luật Doanh nghiệp sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 5/2015) doanh nghiệp xã hội phải đăng ký là doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, có mục tiêu xã hội/môi trường rõ ràng, cam kết tái đầu tư ít nhất 51% lợi nhuận quay trở lại phục vụ mục tiêu xã hội/môi trường đã đăng ký.
Theo bà Thái Vân Linh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vingroup Ventures, những cam kết trên khiến nhiều doanh nghiệp xã hội lầm tưởng rằng họ thành lập công ty để hỗ trợ cộng đồng nên không đặt nặng vấn đề lợi nhuận.
Điều này khiến doanh nghiệp xã hội mặc dù vẫn tạo được lợi nhuận và có khả năng phát triển bền vững nhưng do quy mô nhỏ, nhân lực mỏng, thiếu vốn, yếu về năng lực quản lý điều hành… nên vẫn "lực bất tòng tâm" khi phát triển và mở rộng mô hình kinh doanh.
“Với tôi, trách nhiệm đầu tiên của doanh nghiệp xã hội là phải đảm bảo lợi nhuận, sau mới đến xã hội vì họ là doanh nghiệp, không phải tổ chức từ thiện hay tổ chức phi chính phủ. Bởi nếu doanh nghiệp không có lợi nhuận, không thể tồn tại và phát triển thì không thể giúp xã hội hoặc giúp được rất ít”.
Cũng theo Shark Linh, áp lực lớn nhất của các CEO doanh nghiệp xã hội thường do vấn đề tình cảm. Bởi họ thường khởi nghiệp dựa trên mong muốn giải quyết "nỗi đau" của cá nhân hay một nhóm cộng đồng nên chỉ chú trọng tạo ra sản phẩm giải quyết vấn đề đó mà không suy nghĩ rõ ràng về chiến lược kinh doanh. Ý tưởng bắt nguồn từ cảm xúc nhưng lãnh đạo doanh nghiệp phải suy nghĩ, phân tích với số liệu.
Do vậy, vị Shark này cho rằng, dù là doanh nghiệp xã hội cũng phải tìm một mô hình kinh doanh có nhu cầu trên thị trường: “Ví dụ bạn đang muốn tìm giải pháp cho một vấn đề xã hội, nên xem vấn đề nào lớn nhất, có khả năng tạo ra sản phẩm với mức giá vừa phải để khách hàng mục tiêu, dù không có nhiều tiền nhưng vẫn có thể chi trả, giúp công ty tồn tại”.
Mô hình doanh nghiệp xã hội nào sẽ là xu thế?
Theo quan điểm của nữ CEO Vingroup Ventures, đối với những vấn đề "nóng" của xã hội nhưng ít người tham gia hay quy mô thị trường quá nhỏ, khó để phát triển thành mô hình kinh doanh thì nên dành cho các chương trình phi lợi nhuận. Bởi ngay cả với doanh nghiệp xã hội, vẫn cần thị trường đủ lớn để có thể tiếp tục mở rộng và phát triển trong tương lai.
Bà Thái Vân Linh đặt kỳ vọng vào lĩnh vực đào tạo, giáo dục sẽ có nhiều tiềm năng phát triển các mô hình doanh nghiệp xã hội bởi nhu cầu học tập luôn tồn tại trong xã hội, đặc biệt những người ở vùng sâu vùng xa chưa có cơ hội, hay tài chính để đi học.
“Doanh nghiệp có thể phát triển khóa đào tạo giúp lao động phổ thông có kỹ năng tìm việc lương cao hơn; hay những khóa đào tạo kỹ năng dành cho những người đã học đại học nhưng thiếu kỹ năng và chuyên môn; hay kể cả những người 30-40 tuổi yếu kỹ năng công nghệ thông tin có thể có các chương trình giúp tiếp cận với công nghệ…”, bà Linh gợi ý.
Chia sẻ về “khẩu vị” khi chọn “mồi”, vị “cá mập” quỹ đầu tư Vingroup Ventures cho biết, bà thường ấn tượng bởi những người sáng lập tràn đầy sự tự tin và chắc chắn về ý tưởng khởi nghiệp của mình. Đặc biệt, yêu cầu cơ bản nhất của những người đứng đầu công ty là phải nắm được tất cả những số liệu cần thiết liên quan đến thị trường, hoạt động kinh doanh của công ty, các đối thủ trong cùng lĩnh vực, sau mới đến sản phẩm, khả năng bán cho khách hàng, cách đặt tên, đặt giá....
“Khi đầu tư vào các công ty xã hội, tôi cũng không giảm đi các tiêu chí của mình mà thậm chí kỳ vọng cao hơn để thực sự công ty có thể phát triển bền vững, có thể giúp cộng đồng và có sản phẩm xã hội cần tới”, bà Thái Vân Linh nhấn mạnh.