‘Khoảng 100 hồ sơ xin cấp phép bán lẻ tồn đọng ở Bộ Công Thương mà không có một lời giải thích’
(DNTO) - Theo chuyên gia, việc chậm trễ khi cấp phép cho các cơ sở bán lẻ của các cơ quan thuộc Bộ Công thương đã gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư.
Đóng góp ý kiến liên quan đến vấn đề cấp phép bán lẻ, ông Trần Anh Đức, Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, thuộc VBF cho biết, phê duyệt của Bộ Công Thương về việc cấp phép cho các cơ sở bán lẻ hiện chưa có tiến triển. Nhiều hồ sơ đã phải chờ xử lý lâu hơn đáng kể so với thời gian luật định, điều này gây ra nhiều biến động và thiệt hại tài chính cho các nhà đầu tư.
Tình trạng này xuất phát từ vấn đề tổ chức trong nội bộ của Bộ Công thương. Cụ thể, trước đây, Vụ Kế hoạch của Bộ này chịu trách nhiệm xem xét và phê duyệt các đơn xin cấp phép cho cơ sở bán lẻ. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất với với Vụ Tài chính và Đổi mới Doanh nghiệp thành Vụ Kế hoạch - Tài chính mới, thì hiện vẫn chưa có đơn vị nào được phân công phụ trách.
“Kể từ khi tái cấu trúc cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được phê duyệt giấy phép cho bất kỳ cơ sở bán lẻ nào”, ông Đức nói.
Theo luật, việc cấp giấy phép cơ sở bán lẻ (đối với các cơ sở không bị yêu cầu thực hiện khảo sát nhu cầu kinh tế) sẽ mất 23 ngày làm việc, trong đó Bộ Công Thương có 7 ngày làm việc để xem xét và có ý kiến với Sở Công Thương liên quan (Điều 28 Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
Cho đến gần đây, hồ sơ xin cấp phép cơ sở bán lẻ thường được dự kiến xử lý trong khoảng 30 ngày. Nhưng hiện tại có hồ sơ đã nộp đến 6 tháng nhưng chưa có phản hồi mặc dù các nhà đầu tư vẫn thường xuyên liên hệ và yêu cầu có những hành động, thông tin hợp lý.
“Hiện chúng tôi được biết có khoảng hơn 100 hồ sơ vẫn đang tồn đọng ở cấp Bộ Công Thương mà không có bất kỳ giải thích hay thông tin chính thức nào với các nhà đầu tư. Không biết khi nào Bộ Công Thương sẽ xử lý các hồ sơ này”, ông Đức cho biết.
Cũng theo vị Trưởng Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại của VBF, không giống các đối tác trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ phải trải qua quá trình xin cấp phép rườm rà, thường bao gồm ít nhất 4 loại giấy phép (giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh và giấy phép lập cơ sở bán lẻ).
Các nhà đầu tư được yêu cầu rót vốn, thường với số lượng lớn, vào quốc gia mà họ muốn đặt cơ sở dù chưa biết chắc chắn liệu họ có được phép mở cửa hàng bán lẻ, thậm chí ít nhất là cửa hàng đầu tiên hay không. Đây là toàn bộ số vốn điều lệ tối thiểu đã đăng ký và thường còn có vốn bổ sung dành cho mục đích hoạt động.
Các nhà đầu tư cũng thường phải chi một khoản tiền đáng kể để lắp đặt cửa hàng và thuê mặt bằng trước khi giấy phép cửa hàng bán lẻ của họ được cấp phép. Điều này xuất phát từ nhu cầu kinh doanh và cũng là do thông lệ của các cơ quan cấp phép luôn yêu cầu về việc nộp các hợp đồng cho thuê trong đơn xin cấp phép cơ sở bán lẻ, mặc dù thực tế là các quy định liên quan cũng đã quy định việc chỉ cần nộp biên bản ghi nhớ về việc thuê mặt bằng.
Cũng theo Nhóm này, mặc dù việc rà soát và điều chỉnh tổng thể để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư sẽ đem lại lợi ích cho việc đưa ra quy định đối với ngành bán lẻ nhưng hiện tại có một nhu cầu đặc biệt cấp bách là giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ ở cấp Bộ Công Thương để các nhà đầu tư có thể bắt đầu hoạt động. Những chậm trễ không được thông báo và kéo dài ngoài dự kiến ở cấp Bộ Công Thương hiện đang gây thiệt hại đáng kể cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi mong Bộ Công thương sẽ khắc phục sớm tình trạng này. Điều này sẽ gửi một thông điệp tích cực đến các nhà đầu tư hiện đang phải chịu phát sinh chi phí đáng kể, những biến động và thiệt hại dự kiến. Đồng thời cũng tạo điều kiện để chính phủ thu thuế sớm hơn và mở ra cơ hội việc làm tại các cửa hàng bán lẻ”, ông Đức nói.
Ngoài ra, Nhóm Công tác đầu tư và Thương mại VBF yêu cầu xem xét riêng và toàn diện môi trường pháp lý của ngành bán lẻ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc Bộ Công thương phê duyệt hoặc mở cửa các cửa hàng bán lẻ là không cần thiết hoặc không quan trọng, đặc biệt là không liên quan đến kiểm tra nhu cầu kinh tế, khi Sở Công Thương các địa phương đã phê duyệt việc mở cửa hàng.
Bên cạnh đó, cần xem xét để các nhà đầu tư nước ngoài đã có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy phép kinh doanh có liên quan không bắt buộc phải xin thêm giấy phép lập cửa hàng bán lẻ, ít nhất là đối với cửa hàng đầu tiên.
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết những ý kiến khuyến nghị của chuyên gia trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hôm nay sẽ được tổng hợp và gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành vào Phiên Cao cấp của Diễn đàn vào ngày 19/3 tới.