Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lỗ tới 4.000 tỷ đồng trong 3 tháng
(DNTO) - Cả doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đều cho biết đang phải “gồng” mức lỗ khủng vì những vướng mắc về chính sách chưa thể tháo gỡ, trong khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh.
Sáng 14/2, Bộ Công thương và VCCI tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Đại diện Hội Bán lẻ xăng dầu với 950 thành viên, ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Vận tải xăng dầu Hà Giang cho biết, các doanh nghiệp của Hội có khoảng 9.000 cửa hàng bán lẻ, chiếm 53% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Một cửa hàng bán lẻ cần 100 triệu/tháng để duy trì hoạt động, nhưng do phải gồng lỗ nhiều tháng nay nên các doanh nghiệp hiện đều kiệt quệ.
“Khoảng 3 tháng nay, khoản lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ lên tới 3.000-4.000 tỷ đồng. Kinh doanh thì có lúc này lúc khác nhưng tình trạng này đã kéo dài cả năm, trong khi có thương nhân đầu mối quý IV/2022 báo lãi nghìn tỷ. Chưa kể chúng tôi còn bị đầu mối chèn ép…”, ông Hà Thanh Tùng nói.
Ông Tùng đề nghị nên sửa đổi công thức tính giá, quy định chi phí kinh doanh định mức chia đều 3 khâu: nhập khẩu, phân phối, bán lẻ. Chi phí khâu bán lẻ chiếm 3-3,5% giá bán xăng dầu, lợi nhuận định mức chiếm từ 2-2,5% giá bán.
Về phía Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội, cho rằng “cực chẳng đã” doanh nghiệp đầu mối mới không chia chiết khấu cho bán lẻ. Bởi Nghị định quy định doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ 20 ngày, trong khi điều chỉnh giá 10 ngày một lần, nên khi giá xăng dầu thế giới giảm, nếu không tính đúng, tính đủ, doanh nghiệp sẽ lỗ ngay vì dự trữ này là tiền của doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Bảo, dự thảo mới không cần bàn bao nhiêu ngày điều hành giá một lần, mà phải tính đúng, tính đủ cả dự trữ và lưu thông. Nhà nước chỉ nên quản lý về giá nhập khẩu, còn chi phí để doanh nghiệp tự tính toán, thỏa thuận.
Phản biện ý kiến cho rằng doanh nghiệp đầu mối lãi nhưng không chia sẻ chiết khấu với đại lý bán lẻ, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết quy định phải dự trữ lưu thông 20 ngày khiến nhiều thời điểm doanh nghiệp đầu mối cũng lỗ.
“Một tháng lỗ của doanh nghiệp bán lẻ không bằng chúng tôi lỗ 1 ngày. Việc mua mua xăng dầu cũng rất khó khăn. Tàu to giá hàng chục triệu USD/tàu, khi lỗ thì doanh nghiệp đầu mối cũng quá đuối nên không đảm bảo chiết khấu cho đại lý…”, ông Nguyễn Hồng Nam, Ban Chính sách kinh doanh Petrolimex phân tích.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Sài Gòn Petro cũng cho hay, cả nước có 33 đầu mối, nhưng chỉ khoảng 15 đầu mối có thể đảm bảo việc nhập khẩu liên tục vì việc đám phán nhập khẩu khó khăn.
“Kiến nghị chia sẻ chiết khấu của đại lý bán lẻ là thỏa đáng nhưng giờ chúng tôi cũng lỗ. Chỉ tính riêng chênh lệch tỷ giá VND/USD đã khiến chúng tôi mệt mỏi rồi”, đại diện Sài Gòn Petro trần tình và đề nghị nên bỏ quỹ bình ổn giá nếu không hiệu quả.
Góp ý tại Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung cho biết việc đảm bảo cung ứng xăng dầu là trách nhiệm của Nhà nước nhưng hiện đang đẩy sang doanh nghiệp. Do vậy, muốn thị trường xăng dầu ổn định thì nên thành lập quỹ dự trữ quốc gia, khi thị trường bất ổn quá thì bơm dự trữ quốc gia thay vì dự trữ tại doanh nghiệp.
TS Cung cũng đề nghị bỏ quy định bán lẻ được nhập hàng từ 1 đầu mối hay nhiều đầu mối, mà nên nên thành lập một thị trường tương đối cạnh tranh, rà soát lại điều kiện kinh doanh.
“Nhà nước chỉ nên quản về chất lượng, tiêu chuẩn, quy định an toàn. Nên thành lập một hội đồng định giá, sau đó thuê công ty tư nhân định giá xác định giá hàng ngày làm giá tham chiếu”, TS Cung nói.
Các vấn đề nổi cộm sẽ được sửa đổi trong các Nghị định này gồm: công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu; thời gian điều hành/công bố giá; quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, nội dung cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn.
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu; quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá; phương thức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu; Về dự trữ lưu thông bắt buộc; Rà soát các điều kiện về kinh doanh xăng dầu và một số nội dung khác.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi phương án sửa đổi Nghị định đều có ưu và nhược điểm, nhưng khi lựa chọn thì phải chấp nhận. Quan trọng nhất là chính sách phải hướng đến mục tiêu lâu dài, tôn trọng quy luật khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng.
“Quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo là thực sự lắng nghe, cầu thị để có thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp”, ông Đông nhấn mạnh.