VASEP và doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị khẩn với Thủ tướng để gỡ khó
(DNTO) - Hỗ trợ phát triển thị trường và gỡ vướng về chính sách thuế, tín dụng là những kiến nghị được cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, thủy sản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, mong mỏi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Doanh nghiệp kiến nghị khẩn
Sáng 13/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản năm 2023”. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý 1/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%...
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ VNĐ với lãi suất thấp 4% cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch. Cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1-2/2023.
Liên quan đến việc tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, bà Sắc kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; Đưa vào văn bản Quy phạm pháp luật xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản được thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng tinh thần văn bản số 2550 ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính.
Để khơi thông và phát triển thị trường, bà Sắc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NNPTNT chủ trì cùng với Hiệp hội VASEP triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ, bắt đầu từ quý 4/2023; xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam hoặc có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong hiệp định VKFTA.
Về phía ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đề nghị với Thủ tướng sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm; thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế...
VIFOREST cũng kiến nghị việc giảm thuế suất đối với xuất khẩu sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31). Đề nghị có cùng mức thuế suất là 0%, tương ứng như thuế suất áp dụng đối với các sản phẩm viên nén khác.
"Đặc biệt, các ngân hàng có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 06 tháng đến 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023. Có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm 2023", đại diện VIFOREST nói.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, "vướng mắc ở đâu, khâu nào, gỡ ngay ở đó".
Thủ tướng phân tích, về nguồn nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, Việt Nam vẫn phải nhập nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ (trên 20%) và thủy sản, đối mặt với nguy cơ điều tra nguồn gốc nguyên liệu và các biện pháp phòng vệ thương mại. Giống vẫn là khâu yếu đối với tất cả các lĩnh vực trong nông nghiệp.
"Đối với nguyên liệu chế biến gỗ, cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn để đạt được mục đích kép - vừa chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất, minh bạch xuất xứ, vừa tạo công ăn việc làm và góp phần giảm phát thải khí nhà kính", Thủ tướng nêu rõ.
Để kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khóa để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản nhanh và bền vững.
Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống cao tốc để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đẩy mạnh đàm phán, tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường, chú trọng khai thác các thị trường ngách. Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và bền vững.
Đối với các doanh nghiệp trong ngành gỗ và thủy sản, Thủ tướng nhấn mạnh cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới, tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.
"Các doanh nghiệp phải vươn lên tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm gỗ có mẫu mã độc đáo, đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài. Triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp", Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cho biết cần đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về "Giống", "Thức ăn nuôi trồng thủy sản" và "Hormone HCG" là mấu chốt để gia tăng tỉ lệ sống, chất lượng phát triển và giảm giá thành sản phẩm…