‘Bức tranh’ ngành gỗ đã chuyển từ gam màu xám sang màu sáng
(DNTO) - Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, dù khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, trị giá xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản năm 2021 ước tính vẫn thu về kết quả ngoạn mục 15,6 tỷ USD, xuất siêu 12,6 tỷ USD. Bức tranh ngành gỗ đã chuyển từ màu xám sang màu sáng.
Ngày 17/12, tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả năm 2021 và bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản cho năm 2022, ông Bùi Chính Nghĩa, cho biết: Trị giá xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản năm 2021 ước đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2020. Con số này vượt đáng kể so với kế hoạch xuất khẩu 14 tỷ USD đặt ra từ đầu năm. Cả năm 2021, toàn ngành xuất siêu cao, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2020.
Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu một số sản phẩm tăng cao như: Dăm gỗ tăng 18,4%, viên nén gỗ tăng 17,4%. Giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản vào một số thị trường truyền thống giữ mức tăng trưởng cao. Trong đó, thị trường Trung Quốc: 23,7%; Hoa Kỳ: 21,4%; EU: 14,4%; Nhật Bản: 6,7%; Hàn Quốc: 5,7 %...
Điều này cho thấy các doanh nghiệp chế biến đã tranh thủ tận dụng thời cơ phát triển mở rộng thị trường trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.
Năm 2022, mặc dù còn nhiều thách thức khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng ngành gỗ cũng có nhiều thuận lợi, khi khả năng chống chịu của doanh nghiệp tăng lên; xuất khẩu gỗ của Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); EU-Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… những ưu đãi về thuế quan, sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nghĩa phân tích, với những khó khăn và thuận lợi trên, toàn ngành xây dựng mục tiêu phấn đấu đưa trị giá xuất khẩu đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên, tăng 5,7% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 11,47 tỷ USD, tăng 5,7%; gỗ các loại: 3,84 tỷ USD, tăng 5,5 %; lâm sản ngoài gỗ: 1,19 tỷ USD, tăng 7,7%...
Thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đề nghị doanh nghiệp được tiếp cận tiêm vaccine mũi 3 sớm nhất có thể. Các doanh nghiệp chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói, giao hàng hàng.
Cụ thể, các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói khi vận chuyển, nhằm giảm chi phí logistics. Theo đó, từ chỗ đóng hàng hoá cồng kềnh, tốn diện tích container làm tăng cước phí, thì các doanh nghiệp cần chuyển sang hình thức đóng rời từng bộ phận.
“Ngoài ra, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước cùng “chung tay” với doanh nghiệp chuyển dịch từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước. Muốn vậy, cơ chế chính sách về đất đai phải thay đổi mang tính đột phá, cần xây dựng chuỗi cung có sức chống chịu cao, các cơ chế, chính sách cần có tính đột phá; giải phóng quỹ đất rừng trồng, cho phép doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận quỹ đất này…”, ông Lập nêu giải pháp.