Thiếu container trầm trọng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục ‘gánh’ giá cước tăng cao sang đến 2022
(DNTO) - Nhu cầu tăng mạnh trong khi công suất vận chuyển bị hạn chế, chỗ khan hiếm, tắc nghẽn tại các cảng… vẫn đang tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Không thể đặt chỗ cho hàng xuất khẩu
“Đối với ngành hàng chúng tôi, việc đặt được chỗ để cho hàng đi và không bị delay đã là lợi thế cạnh tranh rồi, không đặt được và delay mới là đau khổ, chưa nói đến giá tăng cao”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ về tình hình mà các doanh nghiệp trong Hiệp hội này vẫn đang phải đối mặt, trong Diễn đàn “Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ”, sáng 17/12.
Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, bối cảnh thị trường logistics thế giới hiện nay đang ở trạng thái "5 tăng": cước tăng, phí tăng, thời gian vận chuyển biển tăng, trường hợp delay (hoãn) tăng, các loại phụ thu tăng vẫn tạo ra áp lực rất lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu trách nhiệm phải đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng theo hợp đồng.
“Chuyện delay ngày càng khủng khiếp. Có doanh nghiệp của VASEP đã rất khó khăn khi đặt lịch tàu, đáng lẽ đặt đi ngày 14/12 nhưng giờ phải delay thêm 20 ngày mà cũng chưa chắc chắn. Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ còn đau khổ nhiều nữa vì họ không có sản lượng lớn nên khó giành chỗ vận chuyển.
Trong khi đó giá cước hiện đã tăng gần chục lần. Thời gian vận chuyển hàng sang châu Mỹ trước đây khoảng 1 tháng, giờ đây trung bình tăng 10 ngày, có hợp đồng của chúng tôi trễ 2-3 tháng khách mới nhận được, chưa kể việc “phí đẻ phí” như phí kẹt cảng, cân bằng container, phí vệ sinh, nhiên liệu sạch... Chính việc kẹt cảng tạo ra việc cước tăng, nhưng doanh nghiệp giờ phải gánh thêm cả phí kẹt cảng. Tất cả những điều đó tạo ra áp lực rất lớn”, ông Nam nói.
Ông Rolando E. Alvarez Viera, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) cũng chia sẻ việc mình vừa nhận được email từ đại lý ở Los Angeles (Hoa Kỳ) cho biết rằng nếu tàu quốc tế đến cảng này phải đợi 2 tháng nữa mới có chỗ.
Về phía đơn vị vận tải, bà Tracy Đào, Giám đốc Thương mại, Công ty Cổ phần Bee Logistics cũng thừa nhận, hiện nay, với thị trường Mỹ La-tinh, do là một thị trường mới nên gặp rất nhiều khó khăn cho vấn đề logistics. Khoảng cách địa lý xa, sản lượng của nhà xuất khẩu Việt Nam còn ít nên ít nhận được sự ưu tiên của các hãng vận chuyển. Thời gian vận chuyển quá dài và tình trạng chung là thiếu chỗ, thiếu container dẫn đến lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam không cao.
Giá cước sẽ tiếp tục leo thang
Theo cập nhật từ Phaata.com – Sàn Giao dịch Logistics Quốc tế tại Việt Nam cách đây 1 tuần cho thấy, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên thế giới vẫn tăng mạnh trước Tết Nguyên đán trong khi công suất vận chuyển bị hạn chế trên tuyến Châu Á-Bắc Mỹ.
Chỗ dự kiến rất khan hiếm trên tuyến châu Á - Bắc Mỹ đến cuối năm 2021 và tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2022 khi các hãng tàu đồng loạt thông báo hủy chuyến, đặc biệt là các chuyến đến các cảng nam California. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng Los Angeles/Long beach và Savannah vẫn còn nghiêm trọng, cảng Vancouver đối diện với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Cũng theo Phaata, khoảng 15% công suất vận tải hàng hóa quốc tế trong tháng 12 có thể không khai thác hiệu quả do sự chậm trễ liên quan đến tắc nghẽn, trượt lịch trình và các biện pháp khôi phục lịch trình từ các hãng tàu. Chỗ ít hơn trong khi nhu cầu tiếp tục tăng đang gây áp lực lên thị trường. Một số hãng tàu đã áp dụng phụ phí tăng giá chung (GRI) từ đầu tháng 12. Mức giá cước vẫn tăng và nhu cầu đối với dịch vụ đảm bảo (premium services) vẫn rất cao.
Tình trạng khan hiếm chỗ và thiếu hụt container trầm trọng cũng vẫn tồn tại trong tuyến vận chuyển châu Á - châu Âu, cộng thêm thiếu điện đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy và gây nhiều thay đổi trong kế hoạch vận chuyển. Với việc nhiều tàu bị hoãn và rất nhiều lô hàng bị thay đổi tàu, độ tin cậy của lịch trình hiện nay là rất thấp. Theo Phaata, giá cước dự đoán có khả năng sẽ có tăng vào tháng 1/2022.
Ở tuyến vận chuyển Bắc Mỹ - châu Á, số lượng tàu đến và công suất có sẵn vẫn ổn định đối với các cảng khu vực bờ Tây nước Mỹ. Công suất của các cảng ở bờ Đông nước Mỹ đã được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt thiết bị container vẫn đang gây khó khăn cho hàng hóa vận chuyển từ trong nội địa nước Mỹ. Việc nhiều tàu bỏ chuyến và sự chậm trễ là những thách thức đáng kể đối với các chủ hàng. Trong tháng 12, GRI đã được áp dụng cho các cảng đến ở Ấn Độ và Australia. Phụ phí tăng giá chung (GRI) cho tháng 1/2022 dự kiến được áp dụng cho một số cảng đến ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương.