Đằng sau sự tăng trưởng 2 con số của một công ty logistics: Làm những việc chưa từng làm
(DNTO) - Covid-19 chưa hẳn mang đến những u ám cho Bee Logistics, mà ngược lại còn giúp doanh nghiệp này vượt qua những rụt rè, cố hữu trước kia để mạnh dạn thử nghiệm những điều mới.
Phản ứng nhanh trước sự thay đổi
Dịch Covid-19 tác động nặng nề tới ngành logistics trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi loại hình vận tải. Đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến sản xuất gián đoạn, gây mất cân đối cung – cầu, giá cước tăng phi mã, vận tải chuyến ngắn không được coi trọng…
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nằm chung trong ảnh hưởng logistics toàn cầu, nhưng bị ảnh hưởng sâu sắc hơn do sức chống chọi của doanh nghiệp yếu hơn, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin thấp cũng như việc hạn chế tiếp cận vaccine và hoạt động chống dịch cứng nhắc của nhiều địa phương…
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, 45% doanh nghiệp vận tải logistics Việt Nam buộc cắt giảm các chi phí không cần thiết; 38,6% doanh nghiệp đàm phán điều khoản thanh toán cho chi phí đầu vào và chi phí khác; 37,3% doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng, trong bối cảnh bức tranh u ám chung của ngành, Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics) vẫn có thể ngược dòng để duy trì mức tăng trưởng trên 2 con số.
Ông Đinh Hữu Thạnh, Tổng giám đốc Bee Logistics cho biết, ngay từ tháng 1/2020, khi có thông tin “căn bệnh lạ” xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc, Bee Logistics đã liên tục họp để đưa ra các tình huống của dịch bệnh như văn phòng phải đóng cửa do có ca nhiễm, sụt giảm kết quả kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng hay khách hàng phá sản khiến công nợ cao... Cùng với đó là các giải pháp thích ứng như phân nhóm 30% làm việc tại nhà, 50% tại văn phòng chính, tăng cường nhân lực cho các văn phòng địa phương, chia tách các văn phòng để hạn chế tiếp xúc, thuê thêm địa điểm…
Với mạng lưới hoạt động khá rộng gồm 22 văn phòng tại Việt Nam và 13 văn phòng tại 10 quốc gia trên thế giới, khi xảy ra đại dịch, Bee Logistics gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Thạnh, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng theo từng tình huống của thị trường.
“Khi giá cước Việt Nam thấp hơn Trung Quốc thì chúng tôi vận chuyển hàng từ Quảng Châu đi qua cửa khẩu Nội Bài để bay đi châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, khi giá cước Trung Quốc rẻ hơn Việt Nam, chúng tôi lại đem hàng từ Việt Nam sang Quảng Châu để chuyển đi quốc tế”, ông Thạnh nêu ví dụ.
Trong bối cảnh các nước phong tỏa, Bee Logistics cũng là một trong những doanh nghiệp logistics đầu tiên ở Việt Nam triển khai dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng các chuyến bay thuê chuyến. Nhờ vậy, lần đầu tiên trên các chuyến bay thuê bao của Vietnam Airlines, các đơn hàng từ Hà Nội thông qua trung tâm trung chuyển Frankfurt (Đức) vẫn có thể đến với người tiêu dùng châu Âu trong bối cảnh chuỗi cung ứng gián đoạn. Thậm chí, trên những chuyến máy bay thuê bao chở hàng như 747F, doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa 100 tấn hàng hóa đi các thị trường trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ.
“Nhờ có đại dịch mà những dịch vụ trước kia chúng tôi nghĩ rất khó để làm, hoặc không thể làm như dịch vụ thuê bao nguyên chuyến hàng không, dịch vụ hàng rời, đường sắt, hàng dự án hay logistics hợp đồng thì nay đã có thể triển khai mạnh mẽ và góp phần vào việc tăng sản lượng tối thiểu 20% cho doanh nghiệp”, ông Thạnh cho hay.
Hoạt động CRS kỷ lục trong đại dịch
Tổng giám đốc Bee Logistics cũng chia sẻ, 2 năm đại dịch cũng là giai đoạn doanh nghiệp này thực hiện hoạt động CRS (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) cao kỷ lục.
Đặt ưu tiên hàng đầu dành cho người lao động, vì vậy, doanh nghiệp này kiên quyết không chọn cách cắt giảm nhân sự, giảm lương mà thậm chí còn duy trì và cải tiến chế độ phúc lợi. Điển hình như lập các quỹ nhân ái, quỹ hỗ trợ nhân viên bị cách ly, nhiễm Covid-19 với tổng mức hỗ trợ lên tới 5 tỷ đồng để nhân viên yên tâm cống hiến.
Nếu trước đại dịch, hoạt động đào tạo nội bộ chưa được chú trọng, thì trong bối cảnh phải làm việc giãn cách, Bee Logistics tăng cường các buổi training, tổ chức các cuộc thi để gắn kết, thúc đẩy tinh thần cho nhân viên.
“Đến nay, chúng tôi đã tổ chức 52 buổi traning để đào tạo cho nhân viên. Bee Logistics cũng tăng cường truyền thông nội bộ để tác động và thay đổi tư duy đến các bộ phận, nhằm tạo ra cách làm việc, cách tương tác mới. Chúng tôi nhận thấy tinh thần của các nhân viên trong công ty gắn kết hơn, họ sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp và quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp”, ông Thạnh nói.
Đối với khách hàng, đối tác, Bee Logistics cũng tăng cường quan hệ với các hãng tàu và hãng hàng không, doanh nghiệp, hỗ trợ nhu yếu phẩm, thiết bị bảo hộ cho đối tác. Thay vì cử nhân viên hàng ngày lên các nhà máy làm việc, Bee Logistics đặt nhân viên cơ động tại các nhà máy của khách hàng. Bởi lẽ theo ông Thạnh, sự chia sẻ giữa các bên trong bối cảnh dịch bệnh là rất quan trọng để duy trì mối bền chặt trong chuỗi cung ứng.
Nhờ các chiến lược thích nghi linh hoạt, giai đoạn 2020-2021, Bee Logistics chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước dịch bệnh. Tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng 2 con số, năng suất lao động tăng trên 20%, sản lượng tăng ít nhất 20% tùy dịch vụ. Doanh nghiệp mở rộng 2 văn phòng tại Ấn Độ, 1 văn phòng tại Việt Nam, 1 văn phòng tại Thái Lan và mở thêm văn phòng tại Malaysia.
“Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc chuyển đổi số, đổi mới mô hình hoạt động và chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có uy tín là cách mà Bee Logistics hay phần lớn doanh nghiệp trong ngành tự thích nghi với đại dịch”, ông Thạnh nhấn mạnh.