Vào Việt Nam, vì sao các đại gia bán lẻ không quá mặn mà với sàn thương mại điện tử?
(DNTO) - Phát triển đa kênh và tối ưu chi phí vận hành là điểm cốt lõi mà các đại gia bán lẻ đa quốc gia như Takashimaya, CP Group hay Aeon Mall hướng đến, thay vì chỉ tập trung vào một kênh phân phối nào đó, kể cả thương mại điện tử.
Chia sẻ trong Hội thảo Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử sáng 17/11, ông Ôn Như Bình, Giám đốc Kinh doanh Chiến lược Teko Việt Nam (thuộc VNLife) chia sẻ, việc triển khai giải pháp công nghệ cho nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ toàn cầu ở Việt Nam như Takashimaya, CP Group hay Aeon Mall rất khó khăn.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đa quốc gia khi vào Việt Nam và triển khai bán hàng trên kênh thương mại điện tử thường đem theo các công nghệ từ nước ngoài vào. Ngoài ra, với các doanh nghiệp truyền thống, kể cả có mua dịch vụ của Oracle (một trong những nhà cung cấp lớn nhất trên thị trường công nghệ) thì theo thời gian, khi nhu cầu tăng lên vẫn phải xây dựng những modun mới. Trong khi đó, nhiều đối tác cung cấp công nghệ trước kia hiện đã không tồn tại trên thị trường. Điều này khiến các doanh nghiệp cung ứng giải pháp như Teko khó khăn khi tích hợp với các nền tảng cũ của họ.
Trong trường hợp doanh nghiệp buộc phải thay đổi nền tảng cũ thì các nền tảng mới phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe để giúp cho việc vận hành của các nhà bán lẻ tiết kiệm chi phí. Bởi cơ bản các chi phí chạy marketing, chương trình khuyến mại của các bên giống nhau; điểm khác biệt hiện nay là tốc độ xử lý đơn hàng và khả năng đáp ứng yêu cầu về mặt giao hàng, làm việc với nhà cung cấp.
Cũng theo ông Bình, góc tiếp cận thương mại điện tử của doanh nghiệp lớn và nhỏ sẽ khác nhau nên khi lựa chọn giải pháp chuyển đổi số, mô hình kinh doanh cũng sẽ khác nhau.
Có rất nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay có xu hướng làm chuỗi bán lẻ theo ngành. Bởi thị phần thương mại điện tử Việt Nam hiện về tay 4 sàn thương mại lớn ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Do đó, khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp lớn đều phải cân nhắc đến việc tối ưu chi phí chi trả cho các sàn nên họ sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ kênh bán hàng nào.
Đồng thời, doanh nghiệp lớn hướng đến triển khai kênh bán riêng của mình. Dựa vào đó, họ nhìn thấy cơ hội đi trước các đối thủ khác trên thị trường nên không ngại chi tiền đầu tư, mặc dù không thể có lợi nhuận ngay tức thì.
Còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều quan trọng khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, ưu tiên những gì có thể mang lại doanh thu, sau đó mới hướng đến tối ưu chi phí vận hành.
“Thương mại điện tử là cơ hội nhưng sẽ càng ngày càng khó vì doanh nghiệp nào cũng sẽ biết phải sử dụng kênh này để bán hàng. Do vậy cần hướng đi sâu hơn là việc kết hợp với những đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ”, ông Bình nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Nam Long, CEO Abivin Việt Nam, đơn vị cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng cho biết, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ sẽ tận dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh thương hiệu và tiếp cận lượng người dùng lớn trên các sàn.
Tuy nhiên các doanh nghiệp có thương hiệu, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn đã có lượng người tiêu dùng lớn, họ có xu hướng xây dựng các nền tảng thương mại điện tử và kênh bán hàng riêng, bên cạnh kênh chảy qua các sàn thương mại điện tử.
Bởi lẽ, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các khu vực đứng trước nguy cơ bị phong tỏa bất cứ lúc nào, thì theo ông Long, việc lập kế hoạch cung ứng của các nhà bán lẻ không còn chắc chắn. Trong khi đó, so với mô hình phân phối thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh trên thương mại điện tử sẽ có quy mô số lượng đơn hàng lớn hơn từ 4-5 lần, quy mô hàng liên tỉnh lớn hơn 10 lần. Bài toán đặt ra là phải có kế hoạch cung ứng tối ưu, vì khi có kế hoạch tốt thì nguồn lực rất nhỏ vẫn đáp ứng được quy mô lớn, kể cả khi thị trường tăng trưởng cũng có thể phục vụ được.
“Thương mại điện tử đang tăng trưởng rất nhanh, nhưng chuỗi logistics phục vụ cho thương mại điện tử đi từ nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng vẫn tồn tại. Thực tế tại Mỹ, thương mại điện tử đã phát triển rất rầm rộ với sự hiện diện của ông lớn Amazon, thế nhưng cũng chỉ chiếm 20% thị trường bán lẻ, 80% còn lại vẫn là hàng hóa không đi qua thương mại điện tử”, ông Long lý giải việc vì sao các nhà bán lẻ thường ưu tiên đến việc tối ưu chuỗi cung ứng hàng hóa để giảm chi phí logistics, thay vì quá tập trung vào thương mại điện tử.