Cuộc chiến thương mại điện tử cuối năm: Chờ đợi màn ‘đảo ngôi’ khốc liệt
(DNTO) - Màn “đổi ngôi” giữa Lazada và Tiki trong quý 2 vừa qua đã thổi bùng cuộc chiến thương mại điện tử vốn đã gay go và khốc liệt. Trong dịp kích cầu mua sắm cuối năm, cuộc chạy giữa các sàn ngày càng gấp rút.
Xếp hạng nhóm “Big 4” các sàn thương mại điện tử nổi bật ở Việt Nam gồm Lazada, Tiki, Shopee và Sendo của iprice đã chứng kiến màn đổi ngôi ngoạn mục vào quý II vừa qua, khi Lazada vượt mặt Tiki để vươn lên hạng 2 sau nhiều quý bị các đối thủ qua mặt.
Thế nhưng, so với Shopee đang giữ ngôi vương với 73 triệu lượt truy cập trong quý 2/2021, thì Lazada với 20,4 triệu lượt, vẫn còn khoảng cách khá xa.
Giai đoạn 2017-2018, Lazada cũng đã từng là sàn thương mại điện tử có lượt truy cập đứng đầu Việt Nam, nhưng đến quý 3/2018, sàn này đành ngậm ngùi nhường lại vị trí số 1 cho Shopee. Và kể màn đảo ngôi ngoạn mục đó, đã 12 quý liên tiếp, Shopee không những không cho ai cướp ngôi của mình mà ngày càng bỏ lại các đối thủ ở khoảng cách khá xa.
Thương mại điện tử dù được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng cũng là nơi chứng kiến cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp, nhất là vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm.
Dự đoán sau thời gian giãn cách kéo dài, người tiêu dùng năm nay sẽ có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12, Lazada đang tốc lực chuẩn bị đón đầu dịp này.
Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, để có thêm nhà bán hàng, người bán hàng và giúp khách hàng có thêm trải nghiệm tốt nhất, bản thân Lazada liên tục cải tiến trong vận hành, dựa trên chiến lược "3 Dễ dàng":
Dễ dàng mua sắm: mở rộng nguồn cung, đa dạng hàng hóa và ngành hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và mở rộng nhiều hoạt động giải trí, tương tác với người mua hàng.
Dễ dàng kinh doanh: tinh giản quy trình đăng kí bán hàng, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp, nhà bán hàng lên sàn, từ 2 tuần xuống còn 3 giờ. Ngoài ra duy trì hoạt động hỗ trợ, kích cầu giúp đối tác bán hàng kinh doanh thuận lợi.
Dễ dàng vận chuyển: đầu tư bài bản vào hệ thống hạ tầng logistics nên hiện tại Lazada có khả năng vận chuyển 80% sản lượng đơn hàng của mình, rút ngắn thời gian vận chuyển. Điều này giúp Lazada chủ động, linh động hơn trong việc điều chỉnh phương án vận hành, thích ứng quy định của nhà nước, tự chủ động giữ an toàn cho nhân viên, nhà bán hàng và người mua hàng.
Phía Shopee cũng xác định lễ hội mua sắm cuối năm của sàn thương mại điện tử là dịp để kích cầu mua sắm sau thời gian dài giãn cách, vì vậy, sàn này cho biết đang đẩy mạnh việc liên kết với nhiều thương hiệu, nhãn hàng nổi tiếng tham gia các chương trình khuyến mại cuối năm.
Cụ thể, chương trình khuyến mại Tết Shopee sẽ diễn ra từ ngày 4/1 tới hết ngày 27/1 với nhiều ưu đãi đa dạng và chính sách miễn phí vận chuyển như Tết Sale 50%, Tết Tươm Tất, Tết Flashsale, Tết Công nghệ, Tết Thời trang, Tết Mẹ và Bé, Siêu hội hàng Quốc tế, Tết Thương hiệu….
Tiki hiện đã chuẩn bị nguồn hàng hóa gấp 2 lần để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm. Doanh nghiệp cũng hướng đến mục tiêu tự động hóa 50% chuỗi hệ thống trung tâm vận hành và kho bãi, đồng thời xây dựng hệ sinh thái cung cấp đa dạng các sản phẩm bảo hiểm, dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng.
Bên cạnh đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa, Sendo vừa có cú bắt tay hợp tác chiến lược với ví điện tử SmartPay nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, với mức ưu đãi khủng lên tới 1 triệu đồng cho mùa mua sắm cuối năm.
Thế nhưng, cuộc đua của các đại gia thương mại điện tử luôn được mệnh danh là cuộc đua đốt tiền để kéo người dùng.
Song hành với ngôi vương thì khoản lỗ của Sea, công ty mẹ của Shopee cũng liên tục tăng, lên mức 1,61 tỷ USD vào tháng 3/2021, trong đó, khoản lỗ đến từ thương mại điện tử chiếm 80%, khoảng 1,44 tỷ USD.
Từ năm 2016-2019, Tiki cũng liên tục chìm trong thua lỗ với mức lỗ luỹ kế lên đến 3.100 tỷ đồng. Sendo cũng có khoản lỗ 1.587 tỷ đồng năm 2019 và Lazada cũng không khá hơn.
Tuy vậy, một chuyên gia trong ngành cho biết, mặc dù thua lỗ nặng nề nhưng các công ty thương mại điện tử vẫn được các nhà đầu tư ưu ái để rót tiền bởi thắng lợi của họ không phải nằm ở doanh thu, mà nằm ở số lượng người dùng. Vì vậy, các sàn không ngại chi mạnh tay cho những chiến lược chạy đua dài hơi và tốn kém, để tranh giành miếng bánh có trị giá 52 tỷ USD vào năm 2025.