Doanh nghiệp Việt làm ăn ra sao trên Alibaba và Amazon?
(DNTO) - “Có hơn 60.000 sản phẩm đồ uống Việt Nam đang được bán trên Alibaba. Bạn nghĩ bấy nhiêu đã nhiều chưa, đối với tôi thì không vì sản phẩm của Việt Nam còn rất phong phú để giới thiệu ra quốc tế”, Giám đốc châu Á -Thái Bình Dương Alibaba.com nhấn mạnh đến cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt tại sân chơi này.
Theo công bố từ Bộ Công thương, doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, Việt Nam lại nằm trong số các quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới, vì vậy, cơ hội cho doanh nghiệp Việt rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng sự bùng nổ thương mại điện tử trong đại dịch Covid-19 để mở rộng thị trường quốc tế, duy trì sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất khẩu.
Tân Đỗ Refreshing Water, doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát cho biết, để thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường đến hơn 30 quốc gia trên thế giới, Tân Đỗ lựa chọn hình thức xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, và Alibaba là nền tảng mà doanh nghiệp này lựa chọn.
"Chỉ sau 3 tháng sử dụng công cụ tiếp thị thông minh trên nền tảng thương mại điện tử, chúng tôi đã tăng gấp đôi lượng đơn hàng xuất khẩu, từ 20-46 đơn. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, Tân Đỗ cũng tiếp cận 22 khách hàng tiềm năng, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong đại dịch và nhanh chóng mở rộng thị trường", bà Phạm Thị Diệu, CEO Tân Đỗ chia sẻ.
Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại XNK Kim Cương Xanh (Kim Cương Xanh) lựa chọn để xuất khẩu cà phê rang xay. Bà Đoàn Trần Thùy Linh, CEO của Kim Cương Xanh cho biết, trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên của dịch Covid-19, mọi hoạt động kinh doanh đều ngừng trệ, doanh thu mảng cung ứng cà phê của công ty gần như bằng 0. Tuy nhiên, nhờ có mảng bán lẻ online mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại.
“Từ bán lẻ online, chúng tôi tìm hiểu sang xuất khẩu online khi nhận thấy sản phẩm được phân phối trên các website thương mại điện tử không bị giới hạn về thời gian, không gian, hàng hóa lưu kho tập trung, dữ liệu bán hàng được cập nhật nhanh chóng, vốn đầu tư thấp hơn và quy mô kinh doanh dễ tăng trưởng hơn kinh doanh truyền thống”, bà Linh cho hay.
Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm tiếp cận với xuất khẩu online, Kim Cương Xanh đã đưa được sản phẩm cà phê rang xay sang Thái Lan và Malaysia, hai thị trường có độ cạnh tranh rất cao trong ngành này, và hiện sản phẩm của công ty này đã tiếp cận với thị trường Nam Mỹ.
Số liệu từ những “ông lớn” thương mại điện tử xuyên biên giới đã ghi nhận sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà bán hàng Việt Nam.
Theo Amazon Gloabal Selling Việt Nam, các nhà bán hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử này đã thu về trên 1 triệu USD doanh thu trong năm 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Gã khổng lồ Alibaba cũng cho biết, tính đến tháng 7/2021, đã có gần 2.000 nhà cung cấp từ Việt Nam tham gia xuất khẩu toàn cầu trên sàn này. Trong đó, 10 ngành hàng xuất khẩu nổi bật của Việt Nam trên Alibaba gồm thực phẩm và đồ uống, hóa mỹ phẩm, nông sản, nhà cửa và vườn tược, vật liệu xây dựng và bất động sản, quần áo, quà tặng, nội thất, in ấn và đóng gói. 10 quốc gia nhập khẩu hàng Việt Nam nhiều nhất trên sàn thương mại điện tử Alibaba gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Úc, Canada, Nga, Mexico, Brazil, Đức, Pháp.
Ông Stephen Kuo, Giám đốc châu Á - Thái Bình Dương Alibaba.com cho biết, trong đại dịch Covid- 19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa không mất đi mà chỉ dịch chuyển từ môi trường trực tiếp sang trực tuyến. Trong khi đó, Việt Nam là một thị trường năng động, đang vươn mình trở thành công xưởng sản xuất trên thế giới, vì vậy cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới là rất lớn.
“Có hơn 60.000 thực phẩm đồ uống của Việt Nam đang được đăng tải trên Alibaba. Bạn nghĩ bấy nhiêu đã nhiều chưa, đối với tôi thì không vì sản phẩm của Việt Nam còn rất phong phú để giới thiệu ra quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam hiện nay đang tham gia nhiều FTA thế hệ mới, vì vậy, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt kết hợp với Alibaba đưa sản phẩm ra toàn cầu”, ông Kuo nói.
Tuy nhiên, vị CEO của Kim Cương Xanh cũng thừa nhận rằng không chỉ đơn giản là đăng sản phẩm lên là có thể bán, sẽ có nhiều khó khăn trong những ngày đầu buộc các doanh nghiệp phải chú trọng đến việc nghiên cứu thị trường và đối thủ, cập nhật xu hướng trong ngành hàng.
“Lúc trước, tôi cứ nghĩ rằng với một sản phẩm truyền thống như cà phê thì rất khó để đi theo xu hướng, nhưng khi khách hàng tại châu Mỹ, châu Âu yêu cầu rằng họ muốn có những sản phẩm phục vụ cho dịp Giáng sinh thì tôi mới chợt nhận ra bản thân sản phẩm của mình phải đầu tư nghiên cứu thị trường và cập nhật xu hướng mới. Điều này doanh nghiệp có thể làm được, quan trọng là thay đổi tư duy”, bà Linh nói.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu online, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mà Bộ Công thương đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với việc tích hợp nền tảng, dịch vụ số liên quan đến xúc tiến thương mại là một trụ cột chính mà bộ đã, đang tiến hành triển khai.
“Các dữ liệu về xúc tiến thương mại sẽ được tập hợp trong một nền tảng để chia sẻ cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu”, bà Thúy cho hay.