Lãnh đạo VECOM: Doanh nghiệp Việt vẫn 'ngại' bán hàng điện tử xuyên biên giới
(DNTO) - Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, thay vì chỉ bán hàng cho các đối tác truyền thống, doanh nghiệp Việt nên tận dụng các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra toàn thế giới.
Trao đổi trong Toạ đàm "Giải pháp cho Doanh nghiệp Xuất khẩu trong tiến trình chuyển đổi số", ngày 29/9, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tìm đến các nhà cung cấp từ Việt Nam, và cũng kết nối kí kết hợp đồng với một số doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 khiến hoạt động giao thương trực tiếp bị gián đoạn. Trong khi đó, hiện thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới đang nổi lên là hình thức giao thương mới, giúp doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid- 19.
Giai đoạn từ 2014-2020, tỉ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu tăng từ 17-41%. Giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới ước đạt 1250 tỷ USD trong năm 2021, tăng 25,7% so với năm 2020.
TS. Nguyễn Tuấn Hoa – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho biết, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra toàn thế giới. Bởi Việt Nam hiện tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương, trong đó mục tiêu của tất cả các hiệp định đều thúc đẩy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước đối tác và ngược lại.
“Do vậy, doanh nghiệp có thể bán mọi sản phẩm, sang bất cứ đâu, miễn là đáp ứng yêu cầu khách hàng. Người mua họ có quyền cao nhất, họ phải được làm quen, sau đó dùng thử, mua lại và rủ người khác mua”, ông Nguyễn Tuấn Hoa cho biết.
Còn ông Nguyễn Trung Nam - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng sự Tinh tú (EP Legal), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, hoạt động thương mại với yếu tố số hóa đang tồn tại nhiều rủi ro ví dụ như việc xác định danh tính đối tác khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền hoặc làm giả giấy tờ, hay khó khăn về khác biệt thói quen thanh toán, luật pháp… Khi ấy, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ đóng vai trò trung gian có thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu khi xây dựng kế hoạch bán hàng, các chương trình marketing hay tương tác trực tiếp với khách hàng nên vẫn lựa chọn hình thức bán hàng theo kiểu truyền thống: “mua đứt bán đoạn”, tức bán hàng cho doanh nghiệp đối tác (B2B) thay vì bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (B2C).
Để nâng cao năng lực cho các nhà bán hàng Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, cả Amazon và Alibaba đều đã xúc tiến mở các văn phòng đại diện tại Việt Nam, tích cực tổ chức hoạt động tập huấn, đào tạo nhằm giúp nhà bán hàng trong nước đưa sản phẩm trên các sàn này. Các sản phẩm như may mặc, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, đồ dùng gia đình… của Việt Nam đang rất được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Do vậy, doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt Nam nên chủ động tham gia, phối hợp với các sàn để có thêm kênh phân phối hàng hóa.
Về phía cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng nên đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các nhà bán hàng ở các tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa – nơi có nhiều sản phẩm đặc sản, thay vì chỉ tập trung vào các doanh nghiệp tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí để các nhà bán hàng tiếp cận với các công cụ trên các sàn thương mại điện tử, giúp việc kinh doanh hiệu quả hơn.